Vào tháng 3/2020, khi các ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng mạnh ở Boston (Massachusetts, Mỹ), bác sĩ Esther Freeman -giám đốc da liễu sức khỏe toàn cầu tại BVĐK Massachusetts - bắt đầu chú ý tới một hiện tượng kỳ lạ. Đó là rất nhiều người tới khám bệnh do ngón chân sưng phồng, đỏ ửng hay tím tái.
BS. Esther Freeman chưa từng thấy những ngón chân như thế này trước đây ở bệnh nhân.
Hiện tượng cước, những ngón chân sưng đỏ tím tái là điển hình của một dạng cước chân. Nó thường chỉ xảy ra vào thời tiết lạnh. Thông thường, BS. Esther Freeman chỉ gặp 1-2 trường hợp mỗi mùa đông đến. Tuy nhiên, mùa đông năm đó bà phải khám cho 15-20 bệnh nhân bị cước chân mỗi ngày.
Không chỉ vậy, các bác sĩ trên toàn thế giới cũng gặp trường hợp tăng đột biến bệnh nhân bị cước chân, dường như cũng trùng hợp với số ca mắc COVID-19 tăng lên giữa đại dịch.
Hiện tượng "ngón chân COVID" có thực sự liên quan tới COVID?
Khi các thầy thuốc bắt đầu chữa trị cho bệnh nhân bị hội chứng bàn chân như vậy, truyền thông bắt đầu gọi tên căn bệnh là "ngón chân COVID". Tuy nhiên, đa phần những trường hợp này không có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đây là câu hỏi làm khó các nhà khoa học. Và kể từ đó, các nhà khoa học bắt đầu đi giải mã căn bệnh.
Nghiên cứu mới nhất, xuất bản ngày 25/2 năm nay đi sâu về miễn dịch học, đã kiểm tra 21 người bị chứng cước chân kể từ những tháng đầu tiên đại dịch xảy ra ở Connecticut, Mỹ.
Mặc dù kết quả không loại trừ mối liên hệ trực tiếp giữa COVID-19 và cước chân, các tác giả không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng miễn dịch học nào chứng tỏ 19 người trong số này từng nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá khứ.
Báo cáo này đã thêm vào giả thuyết của một vài nhà nghiên cứu rằng nguyên nhân gây ra hiện tượng "ngón chân COVID" có thể không liên quan tới virus. Chẳng hạn như, hiện tượng cước chân tăng lên ở những người phải ở nhà nhiều trong thời gian phong tỏa giãn cách, không đi giày hay tất. Đây là ý kiến của chuyên gia da liễu và miễn dịch học Jeff Gehlhausen, Đại học Y Yale ở New Haven, Connecticut, cũng là tác giả đầu tiên của nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia Freeman, đây là hiện tượng cần nghiên cứu thêm. Không loại trừ khả năng rằng người phơi nhiễm với virus có thể đã phải chống chọi lại với nó bằng cách sử dụng phản ứng miễn dịch bẩm sinh. Đây là phòng vệ tuyến đầu có thể không kích hoạt cơ thể sản sinh ra kháng thể và tế bào miễn dịch T mà xét nghiệm có thể phát hiện ra. Tới nay, đây vẫn là còn là một bí ẩn.
Ngón chân... "lên tiếng"
Không thể lý giải rõ ràng tại sao hiện tượng cước chân gia tăng. "Chúng tôi nghĩ rằng đây là chấn thương bàn chân liên quan tới thời tiết lạnh.", chuyên gia da liễu Patrick McCleskey tại Kaiser Permanente (Oakland, California) cho biết. "Chúng tôi thường gặp bệnh nhân cước chân tăng lên vào mùa đông, rồi lại giảm đi vào mùa hè".
Theo các nhà nghiên cứu, thời tiết lạnh có thể gây cản trở lưu thông máu, khiến một số tế bào bị chết đi và kích hoạt hiện tượng viêm nhiễm sưng tấy ở một số cơ quan trong cơ thể. Những phần sưng đỏ hay tím tái xuất hiện trên ngón chân (đôi khi ở ngón tay, tai hay mũi) có thể gây mẩn ngứa, đôi khi còn gây đau.
Phần lớn bệnh nhân trong nghiên cứu mới nhất gặp phải hiện tượng "ngón chân COVID" vào khoảng thời gian tháng 4-5/2020, khi các ca mắc COVID-19 tăng vọt ở Connecticut. Khoảng 1/3 số trường hợp có một số triệu chứng COVID-19 trước khi xảy ra hiện tượng cước chân. Cũng 1/3 số người trong số này từng tiếp xúc với F0 hoặc người nghi nghiễm COVID-19.
Các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều biện pháp nhằm tìm kiếm kháng thể và tế bào miễn dịch T chuyên dụng đối với coronavirus, dấu hiệu cho thấy cơ thể đã phải dùng tới phản ứng miễn dịch thích nghi để chống chọi lại với mầm bệnh.
Chuyên gia da liễu Thierry Passeron, ĐH Côte d’Azur (Nice, Pháp) vẫn cho rằng hiện tượng "ngón chân COVID" thực sự do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đội ngũ của ông nhận thấy rằng những người xuất hiện chứng cước dân trong đại dịch có phản ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh mẽ.
Bí ẩn chưa có lời giải
Với mối liên hệ giữa COVID-19 và chứng cước chân vẫn còn đang bỏ ngỏ. Một vài nhà nghiên cứu đề ra giả thuyết do tình trạng phong tỏa giãn cách. Nhiều người ở nhà đi chân trần ở thời điểm ban đầu của đại dịch và bị lạnh chân dẫn tới cước chân. Hoặc có thể hiện tượng "ngón chân COVID" mà truyền thông nhắc tới hàm ý ám chỉ nhiều người phải cần đến trợ giúp y tế hơn do căn bệnh cước chân.
Đối với Freeman, hiện tượng này chưa thể khép lại. Một mặt, bà đã chứng kiến nhiều bệnh nhân bị cước chân do đi trong bão tuyết. Mặt khác, bà cũng biết nhiều người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 rồi sau đó xảy ra tình trạng cước chân mà không thể có lời lý giải thỏa đáng.
Dù là bí ẩn hay không thì điều trị cước chân không có gì thay đổi trên quan điểm của các bác sĩ da liễu, chuyên gia McCleskey nói. Dù cho là người bệnh có mắc COVID-19 hay không, cước chân thường tự biến mất sau 2 tới 3 tuần.
Trẻ dưới 5 tuổi là F0 điều trị tại nhà cần liên hệ Y tế ngay khi có các dấu hiệu dưới đây