Ánh sáng cuối đường hầm...
Chị Trần Thị Hậu (56 tuổi, ở Lạng Sơn) từng đối mặt với căn bệnh suy thận nặng. Từ năm 2008, chị phát hiện mắc căn bệnh này. Trong 2 năm liên tiếp, chị Hậu phải thường xuyên từ Lạng Sơn xuống Bệnh viện 103 (Hà Nội) để chạy thận mong kéo dài sự sống. Để tiết kiệm chi phí, năm 2010, chị chuyển sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thực hiện phương pháp lọc màng bụng, mỗi tháng chị xuống Hà Nội một lần để lấy dịch và thuốc.
Trong 8 năm ròng rã, mỗi ngày trôi qua với chị Hậu đều là một cuộc chiến giành giật sự sống với cơn đau và mệt mỏi triển miên. Những hy vọng, dự định cho tương lai với chị Hậu lúc này dường như đều đã bị dập tắt. Gia đình đã dốc hết sức lực, tài chính để mong chị có thể được chữa trị.
Khi sức lực đã quá mệt mỏi, chị Hậu muốn buông xuôi vì không còn hy vọng vào sự sống thì 10h sáng ngày 27/7/2016, chị Hậu nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện 103, thông báo đã có người hiến thận.
"Khoảnh khắc đó như ánh sáng cuối đường hầm. Tôi biết mình đã được trao cơ hội sống thứ hai", chị Hậu nhớ lại.
Sau khi cúp máy, chị Hậu vội vàng sửa soạn để lên đường ngay tức khắc. 18h ngày 27/7 chị đã có mặt tại Bệnh viện 103 để chuẩn bị cho ca ghép thận. Sau ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ đồng hồ, chị Hậu dần dần hồi phục, được sống lại một cuộc đời mới.
"Nằm trên giường mổ tôi nghĩ mình đang mơ, không dám tin đây là sự thật. Cảm xúc khỏ tả đến nghẹt thở, cứ lâng lâng, tôi tin mình đã được sống", chị Hậu rưng rưng.
Sau thời gian phục hồi, chị Hậu từ một người phụ nữ yếu ớt, có lúc không cầm nổi bát cơm đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Chị thấy cơ thể nhẹ bẫng, khỏe mạnh lạ thường, như được sinh ra một lần nữa.
Hạnh phúc khi được sống với một cơ thể khỏe mạnh nhưng chị Hậu vẫn luôn canh cánh trong lòng vì không thể tìm ra được gia đình người hiến tạng cho mình.
"Tôi đã đi hỏi và tìm kiếm khắp nơi nhưng không ai hay biết. Khi đó luật pháp cũng cấm việc cung cấp thông tin của người hiến tạng nên phía bệnh viện cũng không thể cho tôi một tin tức nào cả. Gần 1 năm sau, tôi mới có cơ hội được gặp gia đình người hiến tạng. Lần đầu tiên gặp mẹ Ngần (mẹ của người hiến tạng), tôi đã bất chợt gọi lớn: "Mẹ ơi!". Dường như chúng tôi có một sợi dây vô hình kết nối, đã thân quen từ rất lâu…", chị Hậu mỉm cười.
Từ một người chỉ ngồi xem đã trở thành thợ gói bánh chính trong ngày Tết
Chị Hậu chia sẻ, đến nay chị đã tiếp tục được trải qua cái Tết thứ 9 trong một cuộc đời mới. Mỗi lần đi tái khám định kỳ tại Bệnh viện 103, nhận kết quả bác sĩ thông báo thận của chị hoạt động bình thường, các chỉ số đều ổn định, chị Hậu liền cảm thấy mùa xuân như lại về.
"Với tôi 9 cái Tết gần đây chính là những cái tết đặc biệt nhất, vì từ sau thời điểm nhận tạng tôi đã có thể thực hiện được những điều mà tôi yêu thích. Ở chỗ tôi là cứ 2-3 nhà sẽ chung nhau gói 1 nồi bánh chưng, từ một người chỉ ngồi "ngắm" mọi người gói bánh thì giờ đây tôi đã trở thành một thợ chính. Không những vậy tôi có thể tự tay làm giò, rang các loạt hạt, làm kẹo lạc, làm các loại mứt như mứt bí, mứt gừng, mứt cà rốt,… để cho cả nhà cùng ăn Tết. Ngoài ra, tôi còn có thể cùng các thành viên trong gia đình dọn dẹp nhà cửa, nấu những món ăn ngon để quây quần cùng nhau trong bữa cơm ngày Tết", chị Hậu cười tươi trong niềm hạnh phúc.
Chị Hậu cũng chia sẻ, có một điều chị luôn tiếc nuối trong những ngày tháng ốm đau đó chính là chưa từng được đi du lịch, thăm thú những vùng đất xinh đẹp. Chính vì vậy, ngay sau khi có lại được sức khỏe chị đã thường xuyên đi du lịch cùng gia đình, người thân. Đặc biệt, chị đã nhiều lần đón người mẹ sinh ra mình lần thứ 2 – bà Cấn Thị Ngần (64 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội – mẹ của người hiến tạng) để cùng thực hiện mong ước đó với mình.
"Mỗi năm tôi sẽ được gặp mẹ Ngần vài lần, đó là vào ngày giỗ con trai của mẹ và một vài lần khác khi tôi xuống Hà Nội tái khám. Lần nào cảm xúc cũng giống nhau, cứ nhìn thấy mẹ Ngần là tôi lại thấy biết ơn và hạnh phúc. Giờ đây, trước thềm năm mới, tôi chỉ muốn được một lần nữa gửi đến mẹ Ngần những lời chúc sức khỏe để quây quần sớm hôm bên con cháu; Mong mẹ luôn hạnh phúc, thật nhiều may mắn, luôn bình an,…. Con cảm ơn mẹ và luôn yêu mẹ nhiều!", chị Hậu nhắn nhủ.
Trái tim vẫn không ngừng đập...
Cũng là một người may mắn nhận được trái tim của con trai bà Cấn Thị Ngần vào năm 2016, anh Nguyễn Nam Tiến (45 tuổi, ở Quảng Bình) đã may mắn có thêm một cuộc đời hoàn toàn mới.
Anh Tiến là chiến sĩ cảnh sát quê ở Quảng Bình. Anh đã từng hấp hối vì bệnh suy tim giai đoạn cuối. Từ người khỏe mạnh anh trở nên yếu ớt, xác định sẽ ra đi bất cứ lúc nào, vì hầu như suy tim đều có một điểm đến là cái chết. Nhờ quả tim của con trai bà Ngần mà anh Tiến được tái sinh.
"Tôi và người nhà vô cùng xúc động vì đã nhận được trái tim để cứu sống tính mạng mình từ một người xa lạ. Tôi nghĩ đó chính là phép màu mà cuộc sống đã ban tặng cho tôi.
Tôi không biết phải diễn tả hết lòng biết ơn của mình như thế nào đối với gia đình mẹ Ngần. Đó là một sự hy sinh cao cả, một món quà vô giá mà tôi sẽ mang theo suốt quãng đời còn lại. Từ tận đáy lòng, tôi luôn thầm cầu nguyện cho gia đình mẹ Ngần được bình an và hạnh phúc.
Sự sống mà tôi nhận được hôm nay không chỉ là của riêng tôi, mà còn là trách nhiệm để sống ý nghĩa hơn, để lan tỏa tình yêu thương và sự sẻ chia đến những người xung quanh. Tôi hy vọng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho mọi người về lòng nhân ái và giá trị của việc hiến tặng sự sống", anh Tiến xúc động chia sẻ.
Nhân dịp Tết đến Xuân về, anh Tiến cũng muốn thông qua Báo Sức khỏe và Đời sống, gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến gia đình mẹ Ngần – người đã sinh ra mình lần thứ 2 - và cũng cho chính bản thân mình: "Con chúc mẹ và gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng, sức khỏe dồi dào và luôn tràn đầy yêu thương. Mong rằng mỗi mùa xuân đến con sẽ lại được chứng kiến thêm những điều kỳ diệu trong cuộc sống, giống như mẹ đã dành cho 5 người chúng con…".
Ngoài chị Trần Thị Hậu (Lạng Sơn), anh Nguyễn Nam Tiến (Quảng Bình), con trai của bà Cấn Thị Ngần còn hiến tạng cho 3 người khác là anh Vương Xuân Cường (Sơn La), chị Đinh Thu Thủy (Hà Nội) và anh Nguyễn Xuân Hưng (Hà Nội).
"Tất cả người thân trong gia đình, thậm chí là hàng xóm, láng giềng,… ai cũng đều can ngăn quyết định đồng ý để con trai hiến tạng. Nhưng khi nhìn thấy những người suy tim, suy thận đang chới với giữa sự sống và cái chết, tôi nghĩ đến người nhà của họ cũng sẽ phải đau lòng đến mức nào nếu mất đi người thân yêu của mình. Điều đó khiến tôi đưa ra quyết định này.
Đó là một quyết định khó khăn nhưng đầy ý nghĩa, bởi tôi hiểu rằng sự mất mát của gia đình mình có thể mang lại hy vọng và sự sống cho nhiều người khác. Trái tim, quả thận, đôi mắt… của con trai tôi không chỉ là những phần cơ thể, mà còn là tình yêu, sự sẻ chia và lòng nhân ái mà con để lại cho đời.
Dù con trai không còn nữa nhưng đổi lại tôi có thêm 5 người con khác, tôi vẫn có thể cảm nhận nhịp đập trái tim của con trai mình,... Đó là một cách vô cùng đặc biệt để viết lên một mùa xuân khác thật nhiều ý nghĩa…", bà Cấn Thị Ngần (64 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) – mẹ của chàng trai đã hiến tạng chia sẻ.