Hà Nội

Vượt cấm cản, dị nghị, "Lệ tạp hóa" quyết tâm đăng ký hiến tạng

29-03-2023 09:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Vượt qua sự cấm cản, dị nghị, chị Lệ quyết tâm hoàn thành ước nguyện của mình là đăng ký hiến tạng của bản thân. Ước nguyện ấp ủ từ lâu được hoàn thành, chị cảm thấy cuộc đời mình thêm vui tươi và ý nghĩa.

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống tìm về thôn Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) để gặp và trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1973) – một người phụ nữ chân quê vượt sức ép từ gia đình, xóm làng và quan niệm về tâm linh... để đăng ký hiến tặng mô, tạng khi không may mất đi.

Người phụ nữ vượt cấm cản, dị nghị để làm điều có ích cho xã hội dù có mất đi - Ảnh 1.

Chị Lệ - người phụ nữ vượt qua nhiều cấm cản, dị nghị để đăng ký hiến tạng khi không may mất đi.

Trong không gian yên bình của ngôi nhà ven sông Kiến Giang, chị Lệ kể, bản thân sinh ra trong gia đình có 5 chị em ở miền quê nghèo Mỹ Thủy. Đến tuổi lao động, chị vào miền Nam, xin làm việc tại xí nghiệp may rồi chuyển qua nhiều công việc khác để mưu sinh. Sau thời gian tha phương, chị trở về quê để sinh sống và chăm sóc người mẹ già. Ở quê, mười mấy năm nay chị Lệ mở một tiệm tạp hóa để kinh doanh, người dân trong vùng đều nhắc chị là "Lệ tạp hóa".

Cuộc sống của chị Lệ cùng mẹ già cứ êm đềm trôi cho đến khi chị bộc bạch mong muốn đăng ký hiến tạng. Hay tin, người thân của chị bất ngờ, người cấm cản, người khuyên nhủ đừng làm điều lạ lùng.

"Khi tôi nói ra ý định đăng ký hiến tạng với mong muốn sau khi từ giã cõi đời sẽ làm được điều có ích cho xã hội thì người thân đều bất ngờ. Hai chị gái đầu cấm cản, còn 2 chị sau và em trai góp ý, bảo tôi phải suy nghĩ cho kỹ. Bởi việc hiến tạng không phải là chuyện đùa mà là hiến tặng thân thể mình cho xã hội khi chết đi. Điều này ở quê tôi chưa ai từng làm cả, bởi mọi người nghĩ khi chết thì con người phải được "toàn thây" nguyên vẹn", chị Lệ cho biết.

Người phụ nữ vượt cấm cản, dị nghị để làm điều có ích cho xã hội dù có mất đi - Ảnh 2.

Buôn bán tạp hóa hơn chục năm nay, nên người dân trong vùng thường gọi chị là "Lệ tạp hóa".

Hiểu được những băn khoăn và lo lắng của người thân, chị Lệ không ngần ngại mà giải thích, thuyết phục. Điều chị làm là hướng cái tâm thiện của bản thân tới xã hội và việc đăng ký hiến tạng đã được suy xét kỹ trước khi chị quyết định.

"Người thân có cấm cản, khuyên ngăn nhưng rồi cũng hiểu và ủng hộ hoặc buông xuôi vì không thay đổi được quyết định của tôi. Bởi khi đó tôi đã 47 tuổi, đủ chín chắn để suy nghĩ và đưa ra những quyết định quan trọng của bản thân", chị Lệ bộc bạch.

Chị Lệ cảm thấy may mắn vì sau những lần thủ thỉ, người mẹ Nguyễn Thị Vẹn (85 tuổi) đã hiểu và ủng hộ với quyết định của con gái.

"Con nó nói về việc sẽ hiến tạng, tôi cũng không cấm cản gì vì nó lớn rồi tự quyết được việc của bản thân. Nhưng cũng khuyên con phải suy nghĩ thật kỹ vì đây là việc "động trời", ở quê chưa ai từng làm. Hai mẹ con ở với nhau, nó thủ thỉ mãi, tôi cũng dần hiểu đây là việc rất có ích nên cũng ủng hộ theo", bà Vẹn cho biết.

Người phụ nữ vượt cấm cản, dị nghị để làm điều có ích cho xã hội dù có mất đi - Ảnh 3.

Chị Lệ cảm thấy vui vì có mẹ hiểu và ủng hộ việc làm của mình.

Rồi khi biết việc chị Lệ đăng ký hiến bản thân mình cho y học lúc không may mất đi, xóm làng bàn tán xôn xao. Bởi ở miền quê ấy, chưa mấy ai dám nghĩ huống hồ là quyết định đăng ký hiến tạng như chị Lệ. Với quan niệm ăn sâu tiềm thức của người dân rằng khi mất đi phải "toàn thây", nhiều người cũng khuyên ngăn, có người vì thương mà chửi chị điên để cấm cản. Nhưng rồi suy nghĩ lại họ cũng hiểu được lý do về quyết định của chị.

"Mọi người đều biết thường ngày tôi hay đi chùa, ăn chay niệm phật. Phật pháp dạy và cho tôi hiểu nhiều điều về cuộc sống con người. Dân làng họ có bàn tán, khuyên ngăn, một số người còn chửi tôi điên nhưng rồi họ cũng hiểu rằng, tôi làm điều này vì thiện tâm", chị Lệ chia sẻ.

Tháng 11/2020, chị Lệ đã liên hệ Hội chữ thập đỏ địa phương để hoàn tất thủ tục đăng ký hiến tạng. Vậy là ước muốn làm điều có ích cho xã hội của chị đã được hoàn thành bước đầu tiên.

Người phụ nữ vượt cấm cản, dị nghị để làm điều có ích cho xã hội dù có mất đi - Ảnh 4.

Từ khi thực hiện được ý nguyện đăng ký hiến tạng, chị Lệ cảm thấy cuộc đời mình thêm vui tươi và ý nghĩa.

Chị Lệ tâm sự, khi thực hiện được ý nguyện đăng ký hiến tạng, chị cảm thấy cuộc đời mình thêm vui tươi và ý nghĩa. Cũng từ đó, chị Lệ bỏ đi những thói quen xấu, không thức khuya, ăn uống lành mạnh, điều độ để có một cơ thể khỏe mạnh.

"Bây giờ mình sống phải lành mạnh, vui vẻ để sau này mình lỡ có mất đi, các bộ phận trên cơ thể mình khỏe mạnh. Nếu suốt ngày cứ ủ rũ, nhăn nhó thì chắc nội tạng mình xấu lắm", chị Lệ cười nói.

Ông Phan Văn Cầu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình cho biết, tại địa phương này hiện có gần 100 người được cấp thẻ đăng ký hiến tạng.

"Việc hiến tặng mô, tạng là một sự sẻ chia lớn lao. Tấm lòng của những người tình nguyện hiến tạng là vô cùng quý báu cần được xã hội trân quý và tôn vinh. Tôi hy vọng rằng, sẽ có thêm nhiều người hiểu được sự cao cả của việc hiến tạng và đăng ký tham gia", ông Cầu chia sẻ.

Y, bác sĩ BV TW Huế xúc động chào tiễn biệt người hiến tạng, trước khi phẫu thuật lấy tạng để ghép cho bệnh nhân.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn