Vì sao Lịch sử không được đa số ủng hộ là môn thi bắt buộc?
Từ năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo phương án thi mới. Trong 2 phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT tiến hành khảo sát trước đó là thí sinh sẽ phải thi 6 môn (4 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử + 2 môn tự chọn); thi 5 môn (3 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ + 2 môn tự chọn) thì đa số ý kiến đã không chọn Lịch sử trở thành môn bắt buộc.
Theo nhận định của cán bộ, giáo viên tham gia lấy ý kiến thì phương án 4+2 có ưu điểm là có nhiều môn học bắt buộc phải thi, nhưng ngược lại sẽ giảm vai trò nhóm môn học lựa chọn, không phù hợp với yêu cầu phân hóa, định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Một hiệu trường trường THPT ở Hà Nội cho biết, khi Bộ GD&ĐT đưa ra 2 lựa chọn để khảo sát ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT, trong giáo viên cũng có 2 luồng ý kiến. Tuy nhiên, số đông thầy cô thích phương án 2 hơn, tức đưa Lịch sử vào môn lựa chọn. "Các thầy cô cho rằng vì Toán, Văn, Ngoại ngữ - 3 môn cơ bản đã là môn bắt buộc rồi, nếu Lịch sử cũng là môn bắt buộc nữa thì các học sinh theo khối Tự nhiên sẽ phải học hơi nhiều, áp lực nhiều hơn cho các em.
Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên Hệ thống giáo dục FPT chia sẻ: Việc chọn tổ hợp học và tổ hợp thi như thế nào phải phù hợp với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Do vậy, phương án thi nên hướng tới giảm gánh nặng cho học sinh, gia đình và xã hội. Việc đưa môn Lịch sử vào thi bắt buộc sẽ vô tình tạo áp lực lớn cho học sinh và ngược với định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.
Theo bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, hiện nay học sinh chương trình giáo dục phổ thông mới lựa chọn tổ hợp môn nghiêng hoàn toàn về các môn xã hội. Nếu Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc thì sự mất cân đối giữa học sinh chọn môn tự nhiên và xã hội sẽ càng gia tăng. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT vừa đưa Lịch sử thành môn bắt buộc ở bậc THPT mà ngay sau đó lại thành môn thi bắt buộc thì có nên không? Cần phải có thêm khảo sát, phân tích của các chuyên gia.
Cô Nguyễn Thị Hương (giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, Hà Nội) lại ủng hộ phương án thi 4 môn bắt buộc và hai môn tự chọn. "Môn Lịch sử rất quan trọng về giáo dục truyền thống cũng như lòng yêu nước của học sinh. Theo tôi, Lịch sử nên là môn bắt buộc thi. Còn nếu như bắt buộc học mà không bắt buộc thi thì sẽ không hiệu quả trong việc học và thi cử của học sinh".
Cần sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025
Mới đây, Bô GD&ĐT cho biết, trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương lại đề xuất thêm phương án 3: Thí sinh chỉ thi 4 môn, gồm hai môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và hai môn thí sinh tự chọn. Do đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến về 3 phương án trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Sau khi Bộ GD&ĐT lấy ý kiến thêm phương án 3 thì các chuyên gia giáo dục cho rằng việc thi tốt nghiệp THPT 4 môn sẽ giảm áp lực cho thí sinh, giảm chi phí cho xã hội.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), cho rằng, phương án 2+2 thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tốt hơn cả trong bối cảnh hiện nay. "Tôi ủng hộ phương án 2+2 bởi phương án này phù hợp với tất cả các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GD-ĐT hướng đến, nhất là đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội".
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam nghiêng về phương án 2 + 2, với hai môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán. Theo thầy Lâm, nên nghiên cứu và mạnh dạn triển khai phương án này nhằm giảm áp lực cho học sinh, giáo viên, đồng thời, không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh. Giảm số môn thi, học sinh sẽ có thêm thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không còn xa, trước nhiều ý kiến tranh luận hiện nay, học sinh, giáo viên và phụ huynh trên cả nước mong muốn GD&ĐT sớm công bố phương án lựa chọn môn thi để các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng thi cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bàn về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Chương trình có rất nhiều đổi mới từ nội dung học đến cách dạy, cách học so với chương trình cũ. Do đó, cần có những quy định đổi mới trong thi cử và đánh giá năng lực học sinh.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo rõ ràng về đề thi đảm bảo đúng cấu trúc, ma trận. Đề thi cần đánh giá toàn diện về năng lực kỹ năng của thí sinh, tránh trường hợp đề không phân hóa được thí sinh, gây mất công bằng cho các em. Thời điểm hiện tại đã đi được gần nửa chặng đường của năm học 2023-2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng không còn xa. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét và sớm đưa ra phương án thi cụ thể và chú trọng kỹ lưỡng công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, hiệu quả và an toàn.