Ông Nguyễn Dương, Phó trưởng phòng Thu (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội), trao đổi với PV Dân trí về tình trạng nợ BHXH trên địa bàn Hà Nội.
Con số lên tới hàng trăm tỉ đồng BHXH thu như trên chưa thấm tháp gì so với thực trạng nợ BHXH của các doanh nghiệp.
Tới tháng 4, BHXH TP Hà Nội cho biết, số nợ BHXH trên 1 tháng của các đơn vị lên tới hơn 2.300 tỉ đồng, trong đó nợ BHXH chiếm 1995 tỉ đồng, BHYT 261 tỉ đồng và BHXH 113 tỉ đồng. Những nhóm đơn vị có số nợ cao lần lượt là khối các doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI và các đơn vị hành chính sự nghiệp.
Theo BHXH Hà Nội, số nợ BHXH của các đơn vị trên địa bàn lần lượt theo các năm 2011, 2012, 2013 và 2014 là: 765 tỉ đồng, 1382 tỉ đồng, 1.191 tỉ đồng và 1.426 tỉ đồng. Số lượng đơn vị nợ BHXH hơn 10.000 và đang sử dụng hơn 122.000 lao động (các số liệu trên làm tròn).
Theo ông Nguyễn Dương, câu chuyện nợ BHXH của doanh nghiệp nợ BHXH khá đa dạng.
Có những doanh nghiệp thực sự khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Họ có thể có nhiều lao động và hoạt động tốt trong thời gian trước đây, nhưng sau này lâm vào thua lỗ hay phá sản khiến số nợ lũy kế tăng.
Không ít doanh nghiệp chây ỳ và có dấu hiệu trục lợi BHXH. Đặc biệt trong lĩnh vực dệt may có sử dụng nhiều lao động. “Mặc dù người lao động tại đó đã được trích từ lương để đóng BHXH, nhưng doanh nghiệp lại chiếm dụng số tiền đó vào việc khác hoặc chậm đóng để trục lợi” - ông Nguyễn Dương nói.
Khi có đoàn thanh tra liên ngành tới làm việc, doanh nghiệp chỉ đóng vài tháng rồi lại đâu vài đó. Trong khi đó, tiền đóng BHXH của người lao động vẫn được doanh nghiệp thu đều.
“Trong vòng 10 ngày nhận được đề nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, thi hành dứt điểm những vụ liên quan tới BHXH có điều kiện thi hành…”-Trích thỏa thuận được ký kết trong tháng 5 giữa BHXH Việt Nam và Tổng Cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) trong công tác thi hành án dân sự liên quan tới BHXH, BHYT, BHTN.
Ngay việc đưa doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa, kết quả cũng chưa như mong muốn.
“Do tính chất vụ kiện là dân sự nên chủ yếu mang tính thỏa thuận. Đa số những đơn vị chấp nhận ra tòa đều thuộc dạng chây ỳ hoặc phá sản. Bởi vậy tính thực thi rất khó” - ông Nguyễn Dương cho biết.
Khi tòa án đã ra phán quyết nghiêng về phía BHXH, việc thực hiện còn nhiều khó khăn.
BHXH Hà Nội phải tìm kiếm các thông tin của đơn vị để cung cấp cho cơ quan thi hành án, như: Số tài khoản, mã số thuế, các tài sản hiện có của doanh nghiệp… trong khi đó doanh nghiệp có nhiều nguồn tài chính, tài sản cố định, đòi hỏi việc xác minh mất nhiều thời gian và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Thậm chí, cơ quan thi hành án khi tìm được địa chỉ của doanh nghiệp thì chỉ thấy “xác nhà” với bộ bàn ghế cũ.
Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Dương cho rằng công tác tuyên truyền để xã hội và doanh nghiệp ý thức được trách nhiệm đóng BHXH rất cần thiết.
Trong đó, số tiền thu lại được chỉ được 1/3. Doanh nghiệp nợ BHXH có nhiều loại hình, đứng đầu là khối các doanh nghiệp ngoài quốc doanh”.
“Nhiều doanh nghiệp và bản thân người lao động cũng chưa hiểu rõ lợi ích của BHXH. Trong khi đó, BHXH là những chi trả trực tiếp cho quyền lợi của người lao động tham gia BHXH ngay khi đó như: ốm đau, bệnh tật… chứ không gián tiếp như thuế của doanh nghiệp đóng vào ngân khố Nhà nước rồi gián tiếp đầu tư vào các lĩnh vực khách phục vụ người lao động” - ông Nguyễn Dương phân tích.
Bên cạnh đó, những chế tài xử lý doanh nghiệp nợ BHXH chưa đủ mạnh và chủ yếu mang tính dân sự. Theo Nghị định 95/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, mức phạt tối đa áp dụng cho doanh nghiệp nợ BHXH chỉ là 75 triệu đồng.
Ông Nguyễn Dương nói: “Tôi hy vọng thời gian tới đây, Quốc hội sẽ xem xét việc đưa những tội liên quan tới trốn đóng BHXH vào Bộ luật hình sự sửa đổi, nhằm nâng cao tính răn đe với những biểu hiện vi phạm BHXH”
Tổng Cục thuế vừa ký kết với BHXH Việt Nam trong việc hỗ trợ quản lý thu BHXH. Theo đó, Tổng cục thuế thực hiện đưa nội dung trích, nộp BHXH của tổ chức trả thu nhập là một chỉ tiêu trong nội dung kiểm tra, thanh tra thuế. Cung cấp cho cơ quan BHXH Việt Nam tình hình trích, nộp BHXH của tổ chức trả thu nhập sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra thuế do Tổng cục Thuế thực hiện theo quy trình trao đổi thông tin