Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/8, báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố và một số quận nội thành học sinh có nhu cầu học tập rất lớn. Từ đó dẫn tới tình trạng một số trường, địa bàn quá tải về quy mô trường lớp khiến dư luận quan tâm.
Để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT cùng phối hợp với một số bộ ngành trung ương nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng, sử dụng các tầng hầm dựa trên công tác đảm bảo an toàn cho học sinh. Theo đó, bố trí học sinh ở các tầng thấp, các cán bộ, giáo viên ở tầng cao.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc xây trường chuẩn quốc gia, tháo gỡ những khó khăn của Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.
Ông Trần Thế Cương bày tỏ thêm: Nghị định 120 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập, quy định mỗi cơ sở giáo dục có không quá 2 cấp phó. Điều này gây khó khăn với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội, chẳng hạn như với một số trường chuyên, một số trường trọng điểm quốc gia, đặc biệt là những trường có 45 lớp học trở lên. Số trường này chiếm tỷ lệ rất lớn trong các cơ sở giáo dục ở Hà Nội.
"Do chỉ có tối đa 2 phó hiệu trưởng, các trường này gặp khó khăn trong hoạt động. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị với Chính phủ xem xét lại nội dung này. Nên chăng cho phép những trường có 45 lớp trở lên được phép có 3 phó hiệu trưởng", ông Cương đề xuất.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành quy định về việc ký hợp đồng lao động trong khi chờ tuyển dụng đối với nhân viên chuyên môn trong các trường học như kế toán, y tế, nhân viên thiết bị, văn thư, tâm lý học đường… Do hiện nay Chính phủ chưa cho phép ký hợp đồng lao động với đối tượng này...
Theo quy định của Điều lệ trường học do Bộ GD&ĐT ban hành, mỗi lớp học ở cấp THCS, THPT có không quá 45 học sinh; mỗi lớp học ở cấp tiểu học có không quá 35 học sinh. Tuy nhiên, theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện tỷ lệ bình quân học sinh/lớp ở cấp tiểu học là 39,3; cấp THCS là 39,1 và ở cấp THPT là 40,7; ở mỗi địa bàn, tỷ lệ học sinh/lớp có sự khác biệt.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện tượng sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định xảy ra cục bộ, chủ yếu ở cấp tiểu học thuộc địa bàn các quận, địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều khu đô thị. Đơn cử, cấp tiểu học ở các quận có tỷ lệ bình quân học sinh/lớp là 42, còn tỷ lệ này ở các huyện, thị xã là 38. Đáng chú ý, các trường tiểu học công lập ở quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy có tỷ lệ bình quân hơn 50 học sinh/lớp.
Nguyên nhân căn bản khiến sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội trong nhiều năm qua luôn vượt quá quy định là tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dân số cơ học tăng nhanh, trong khi hạ tầng trường, lớp chưa đáp ứng yêu cầu.
Sở GDĐT Hà Nội cho hay, tính đến tháng 6/2022, thành phố có 2.835 trường với 70.199 lớp với hơn 2 triệu học sinh, 138.090 giáo viên, 72.796 phòng học.
Năm 2022 có 51 trường được xây dựng mới, cải tạo 605 trường, bố trí 1.464 tỉ đồng để mua sắm thiết bị dạy học. Tính đến tháng 6/2022, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 64,3%, trong đó trường công lập đạt 79%. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp hiện đại có diện tích 5 héc ta.
Thành phố cũng đã khánh thành Trung tâm điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố. Hệ thống tuyển sinh trực tuyến đã có 86% tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Học sinh Hà Nội đã đạt thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.