Hà Nội

Gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo VSATTP

12-08-2022 09:17 | Xã hội
google news

SKĐS - Hiện có gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu VSATTP, việc quản lý và giám sát bữa ăn học đường còn nhiều hạn chế. Một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học gây ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh và tạo ra tâm lý không yên tâm cho cha mẹ học sinh.

Học sinh bán trú ăn lớp nào, ngủ riêng lớp đóHọc sinh bán trú ăn lớp nào, ngủ riêng lớp đó

SKĐS - Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức bán trú cho học sinh khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp.

Đó là số liệu trong tài liệu Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học do Bộ GD&ĐT vừa ban hành.

Chưa thực hiện tốt việc xây dựng thực đơn, chất lượng bữa ăn dinh dưỡng hợp lý

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, đối với cấp học mầm non trong năm học 2019 - 2020 mới chỉ có 26.392 bếp ăn/55.335 cơ sở chiếm 47,7% (gồm: 15.461 trường, 23.960 điểm trường và 15.914 nhóm lớp độc lập). Đối với cấp tiểu học mới chỉ khoảng 5.000/15.000 trường tiểu học tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh, trong đó có hơn 3.300 trường học có bếp ăn, hơn 700 trường dùng suất ăn công nghiệp.

Đặc biệt, theo báo cáo, hiện có gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, việc quản lý và giám sát bữa ăn học đường còn nhiều hạn chế.

Trong năm 2020, cả nước có 90 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.254 người bị ngộ độc. Trong số này, có một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học gây ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh và tạo ra tâm lý không yên tâm cho cha mẹ học sinh. Chính vì vậy, việc tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục là rất cần thiết.

Gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo VSATTP - Ảnh 2.

Một bữa ăn tốt cho trẻ ở gia đình hay trường học, yếu tố quan trọng hàng đầu và mang tính quyết định luôn là VSATTP. Ảnh minh họa

Các chuyên gia nhìn nhận, công tác tổ chức bữa ăn học đường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bữa ăn học đường còn chưa đáp ứng, đặc biệt các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi, do điều kiện kinh tế còn hạn chế. Việc đầu tư xây dựng thực đơn, chất lượng bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, đủ thành phần chưa được thực hiện tốt, chưa dựa trên nhu cầu năng lượng của lứa tuổi.

Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của bữa ăn học đường với dinh dưỡng hợp lý của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo, phụ huynh và học sinh chưa đầy đủ. Nhân lực triển khai tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm tại trường học còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Việc tổ chức hoạt động căng tin trong trường học còn chưa có các quy định, hướng dẫn kỹ thuật để các trường triển khai thực hiện một cách khoa học. Do vậy, đã ít nhiều ảnh hưởng đến hành vi dinh dưỡng hợp lý của các em học sinh.

Làm sao để có bữa ăn trường học an toàn?

Theo TS. BS. Vũ Thị Thanh - Trung tâm Dinh dưỡng, BV Bạch Mai, một bữa ăn tốt cho trẻ ở gia đình hay trường học, yếu tố quan trọng hàng đầu và mang tính quyết định luôn là an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để đảm bảo một bữa ăn chất lượng, đầu tiên cần đảm bảo về khâu lựa chọn thực phẩm, khâu chế biến và khâu phân phối, thời gian bảo quản thực phẩm. Ví dụ, nếu thực phẩm chất lượng, nhưng khâu chế biến không đảm bảo vệ sinh cũng có thể gây ra nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, thực phẩm nên được chế biến trong ngày. Đây được hiểu là một chu trình để đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với những trường hợp học sinh bị ngộ độc sau khi ăn tại trường, theo TS.BS. Vũ Thị Thanh, nhà trường và phụ huynh cần phối hợp, yêu cầu công ty cung cấp suất ăn cho học sinh tuân thủ đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần chú trọng thực hiện kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các loại test của Bộ Công an bởi chúng ta không thể kiểm tra chất lượng thực phẩm bằng mắt thường.

TS.BS. Vũ Thị Thanh nhấn mạnh, an toàn vệ sinh thực phẩm tức là thực phẩm đó phải đảm bảo chất lượng, như: có hạn sử dụng, không có chất bảo quản. Ví dụ, gạo cần có chất lượng tốt, còn hạn sử dụng, không mốc, ẩm. Bún, phở phải tươi, không có chất làm giòn... Thịt cần tươi, không ôi, thiu. Rau không có các thuốc bảo vệ thực phẩm.

Đối với bếp ăn bán trú nhất thiết phải thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hằng ngày. Ví dụ, thịt không có chất tạo nạc, giò, chả không có hàn the, rau không có chất bảo vệ thực phẩm, dầu ăn không có ôi khét.

Đối với khâu chế biến, cần tuân thủ quy trình, đảm bảo dụng cụ theo quy định. Khâu chia suất ăn phải theo quy định và phải tính toán thời gian đảm bảo an toàn trong việc chia suất ăn.

"VSATTP là vô cùng quan trọng. Nếu ăn không đảm bảo, trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa (ngộ độc nhẹ). Khi đó, con sẽ đau bụng, đi vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, mất giờ học, không tiếp thu bài trên lớp. Vì vậy, mỗi trường học cần kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuỳ từng trường, tần suất kiểm tra có thể là ngẫu nhiên hoặc định kỳ".

TS.BS. Vũ Thị Thanh lưu ý thêm, với những trẻ có vấn đề đặc biệt về thể tạng như thừa cân béo phì hay suy dinh dưỡng hoặc bệnh lý cần ăn uống kiêng khem, cha mẹ cần trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và cô trông trưa để các cô nhắc nhở trẻ, hỗ trợ trẻ ăn uống đảm bảo cân bằng dưỡng chất.

Tài liệu Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học dành cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên y tế trường học và nhân viên phụ trách bữa ăn học đường, được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ bởi Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam. Tài liệu cũng nhận được các ý kiến góp ý của đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL, Tổ chức Y tế Thế giới.

Các chuyên gia chia sẻ trong tài liệu, bữa ăn bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của học sinh.

Học sinh được thụ hưởng bữa ăn học đường với các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cân đối, phù hợp trong trường học không những giúp các em nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý rối loạn dinh dưỡng như thiếu vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm mà còn xây dựng thói quen dinh dưỡng lành mạnh.

Bên cạnh đó các em được kết hợp vui chơi, vận động phù hợp với nhu cầu sở thích và lứa tuổi qua các hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục ngoài giờ, các trò chơi trải nghiệm sẽ tạo môi trường gắn kết, giúp các em phát triển hài hòa thể chất, tinh thần.

Bạo lực học đường gia tăng: Làm sao để ngăn chặn?Bạo lực học đường gia tăng: Làm sao để ngăn chặn?

SKĐS - Thời gian qua, nhiều vụ học sinh đánh nhau vì mâu thuẫn trên mạng xã hội hoặc quay clip đánh hội đồng bạn học rồi tung lên mạng... lại gióng lên hồi chuông báo động về văn hoá ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn