Nhiều năm nay, tôi nghe nhiều thầy thuốc từng lăn lộn trong chiến tranh có nhắc đến bác sĩ Hàng Nhựt Tâm, đặc biệt là bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh (Ba Bé, quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp), là cựu chiến sĩ Tiểu đoàn 307 anh hùng.
Bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh tập kết ra Bắc, học Trường Đại học Y dược khoa Hà Nội (nay là Đại học Y Hà Nội) niên khóa 1960-1965. Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa ngoại, vừa cưới vợ xong, cuối năm 1965, ông trở lại chiến trường miền Nam và là người có nhiều năm gắn bó với cánh rừng U Minh hạ trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Về sau, bác sĩ Thanh là Trung tá, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 121 (1981-1984) Quân khu 9. Cư ngụ tại 387A Nguyễn Trãi (phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1), bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh là tác giả cuốn Hồi ký "Một cuộc đời làm nghề thầy thuốc", Nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 2013, tái bản 2014. Đã ngoại bát tuần, từng trải, với bản tính cương trực, thẳng thắn của một người lính, ông nhiều lần khẳng định: "Lịch sử ngành Y tế Việt Nam chưa có một bác sĩ - chiến sĩ nào trên chiến trường hành động anh hùng như Hàng Nhựt Tâm!".
Đồng niên với bác sĩ Ba Bé, Hàng Nhựt Tâm sinh năm 1937, tại xã Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, có cha và các anh chị em đều tham gia kháng chiến, lên 13 tuổi, anh học trường tiểu học kháng chiến Đồng Tháp Mười cùng Lê Minh Trí (sau là Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang). Từ cuối năm 1954, Tâm và bạn Trí là học sinh miền Nam ở trường Thống Nhất I, Thanh Hóa. Tại đây, anh được kết nạp Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Năm 1961, anh vào Đại học Y dược khoa Hà Nội, trường học lâu đời nhất do bác sĩ A. Yersin (1863-1943) sáng lập và làm Hiệu trưởng đầu tiên. Một ngôi trường danh tiếng bậc nhất trong hệ thống các trường đại học ở Việt Nam. Trường tọa lạc tại số 13 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Bấy giờ, Hàng Nhựt Tâm là bạn cùng lớp với Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Việt Tuyết…
Họ được thọ giáo bởi những bậc thầy nổi tiếng, đó là các Giáo sư: Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Trần Hữu Tước…
Năm 1964, trước tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ Y tế và Trường Đại học Y khoa Hà Nội đã chọn khoảng 40 sinh viên khóa 1961-1966, tách riêng thành một lớp riêng, không nghỉ hè, nghỉ Tết, tập trung đào tạo một số chuyên khoa sâu theo yêu cầu của chiến trường miền Nam. Tiêu chí tuyển chọn vào lớp "đặc biệt" là những sinh viên quê miền Nam, có sức khỏe, nhiệt tình trở lại chiến trường công tác, tuyệt đối trung thành với cách mạng… Hàng Nhựt Tâm được chọn vào lớp này.
Tốt nghiệp bác sĩ ngoại khoa, Hàng Nhựt Tâm được cử sang Liên Xô tiếp tục con đường học vấn. Thời kỳ này, sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ" (1965-1968) ồ ạt đưa quân viễn chinh sang trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, đồng thời liều lĩnh mở rộng chiến tranh phá hoại, đưa không quân và hải quân đánh phá miền Bắc.
Như nhiều bạn bè khác, sống trong cảnh "ngày Bắc, đêm Nam", bác sĩ Tâm thực sự không còn lòng dạ nào để nghĩ việc học lên nữa. Thêm vào đó, bấy giờ, phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng" đang phát triển sâu rộng ở miền Bắc và được tuổi trẻ, nhất là trí thức và học sinh, sinh viên nhiệt tình hưởng ứng. Điều đó đã khiến anh quyết định không ra nước ngoài mà chọn trở về quê hương đặng góp sức mình, sát cánh cùng đồng bào, đồng chí chiến đấu.
Cuối cùng, Hàng Nhựt Tâm được toại nguyện. Anh cùng các bạn trong lớp "đặc biệt" hăm hở khoác ba lô vượt Trường Sơn về Nam. Trong số 37 bác sĩ lớp Y4C đầu tiên của khóa 1961-1966 đi B thì có tới 21 bác sĩ ngoại khoa. Đây là sự bổ sung đáng kể cho chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Còn những người bạn cùng lớp, lần lượt kẻ trước người sau vào các chiến trường. Cuối năm 1966, bác sĩ Nguyễn Việt Tuyết vào miền Tây Nam Bộ, chị về Ban Dân y Khu 9 cùng với người bạn đời là bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh. Sau năm 1975, bác sĩ Việt Tuyết về Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, làm công tác tổ chức cán bộ của Nhà trường.
Ngày 18/12/1967, bác sĩ Đặng Thùy Trâm lên đường vào Trung Trung Bộ. Sau ba tháng hành quân, chị tới Quảng Ngãi và được phân công phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ. Đây là một bệnh viện dân y, nhưng chủ yếu điều trị cho thương bệnh binh. Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác về đồng bằng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã anh dũng hy sinh, để lại hai tập nhật ký. Những trang ghi chép của nữ liệt sĩ 27 tuổi đã có một số phận kỳ lạ, nó được những người lính Mỹ lưu giữ hơn một phần ba thế kỷ và tìm cách chuyển giao lại cho gia đình chị. Nhờ vậy, cuốn sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" (Nxb Hội Nhà văn) đã ra mắt bạn đọc với hàng chục vạn bản in và trở thành một hiện tượng văn hóa đặc sắc và độc đáo. Đến năm 2006, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Còn anh bạn Lê Minh Trí đi học y tá, rồi y sĩ, ra trường nhận công tác mãi ở Thái Nguyên. Và anh cũng trở về Nam như bạn mình. Một buổi tối ở căn cứ của tỉnh Bến Tre, khi Trí đương ngồi lui cui soạn bài cho lớp y sĩ đầu tiên của Ban Dân y Khu 8, thì bất ngờ được báo có khách. Đi cùng bác sĩ Trần Hữu Hằng, là một thanh niên tráng kiện, vẻ mặt hiền lành, lưng khoác chiếc bòng, nai nịt gọn gàng, bên hông sề sệ khẩu súng ngắn K54. Nhận ra người bạn thân, Trí nhảy ra ôm choàng lấy Tâm. Thế là sau 12 năm xa cách, họ lại gặp nhau ở chiến trường. Thì ra Hàng Nhựt Tâm được phân công về Ban Dân y Khu 8. Nhưng chưa kịp ấm chỗ thì anh nhận lệnh đi chi viện cho tỉnh Bến Tre. Và họ lại sát cánh bên nhau như thủa cùng chung đèn sách.
Cuối năm 1967, Hàng Nhựt Tâm được điều chuyển về làm Trưởng ban Dân y H10 (tức Trưởng ty Y tế tỉnh Mỹ Tho). Trước lúc chia tay, anh còn kịp tặng quà cho bạn Lê Minh Trí. Đó là bản chép tay bài hát "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" của nhạc sĩ Trần Kiết Tường: "Tôi hát ngàn lời ca nồng nàn hơn nắng ban mai, đẹp tình hơn cánh hoa mai, hùng thiêng hơn núi sông dài, là một niềm tin HỒ CHÍ MINH, HỒ CHÍ MINH đẹp nhất tên Người, là một niềm tin…". Hai người xiết chặt tay nhau, đâu ngờ ấy là lần cuối cùng.
Trong thời gian công tác tại quê hương Đồng khởi, Hàng Nhựt Tâm đã gặp và yêu một người con gái xứ dừa xinh đẹp. Ấy là chị Huỳnh Thị Lan Anh, con gái má Năm, một bà mẹ chiến sĩ ở xã Hưng Khánh Trung, huyện Mỏ Cày. Và tình cảm đẹp giữa cặp trai tài, gái sắc đã nẩy nở, nồng đượm. Trước khi trở lại Mỹ Tho công tác, hai người đã ước hẹn ngày chiến trường tạm lắng thì chàng bác sĩ sẽ về Bến Tre, thưa chuyện với gia đình nàng, xin kết tóc xe tơ…
Bấy giờ, chiến trường Mỹ Tho nổi tiếng ác liệt. Nơi đứng chân của Ban Dân y H10 nằm cạnh kênh Tây - Nguyễn Văn Tiếp liên tục bị máy bay Mỹ dội bom. Địa hình nơi đây mỏng và trống trơn. Ban đêm, pháo địch từ Bình Đại cứ rót cầm canh xuống căn cứ của ta. Trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân mở màn, bác sĩ Hàng Nhựt Tâm tham gia chống càn tại xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho.
Ngày 13/12/1967, biệt kích Mỹ cùng lính sư đoàn 7 đổ về càn quét từ kênh Nguyễn Văn Tiếp đến kênh Tây. Một số người rút về Trảng Mù, riêng bác sĩ Tâm vẫn trụ lại dưới hầm bí mật. Tuy nhiên, điều ít ai ngờ là có một kẻ hèn nhát đầu hàng phản bội đã dẫn địch về khui hầm súng của X12, gần kề nơi Hàng Nhựt Tâm đang nấp. Một tiếng nổ lớn khiến đất xung quanh hầm bay tung tóe, làm bung luôn cả nắp hầm bí mật. Phát hiện có người ở dưới hầm, bọn địch liền bắc loa gọi hàng và bu lại tính bắt sống.
Trong trường hợp này chỉ có hai cách, một là đầu hàng giặc để giữ mạng sống, hai là nổ súng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Hàng Nhựt Tâm đã chọn cách thứ hai. Giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù, người bác sĩ trẻ, vị Trưởng ty Y tế Mỹ Tho vẫn hiên ngang đáp trả bằng những trái lựu đạn da láng. Anh dùng khẩu K54 bắn hết cả hai băng đạn, diệt 3 tên địch, làm bị thương một số tên khác. Nhưng hàng trăm tên giặc đã khép chặt vòng vây, chúng dùng M79 nã cấp tập vào hầm.
Hàng Nhựt Tâm anh dũng hy sinh. Bọn địch tàn ác lôi thi thể tả tơi của anh lên miệng hầm và mang đi khoe chiến tích.
Khi cô Thu Dung (sau là bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang) và chị Năm Đen cùng đồng nghiệp trở lại nơi Hàng Nhựt Tâm hy sinh, bọn địch tàn ác còn gài lựu đạn và mìn ngay dưới thi thể anh. Đồng đội phải vất vả lắm mới lấy được thi hài Hàng Nhựt Tâm đem về an táng tại nghĩa trang xã Mỹ Phước Tây. Thấu hiểu và khâm phục nguyện vọng cháy bỏng của người trí thức trẻ này, cô Thu Dung đã khẩn thiết báo cáo với đồng chí Nguyễn Thanh Hà (Mười Hà) Bí thư Thành ủy Mỹ Tho lúc bấy giờ, đề nghị kết nạp Hàng Nhựt Tâm vào Đảng. Rất kịp thời, Thành ủy ra quyết định kết nạp đảng viên. Trong buổi lễ truy điệu Trưởng ban Dân y H10, được tổ chức tại Văn phòng Thành ủy Mỹ Tho (đóng ở xã Đạo Thạnh) liệt sĩ Hàng Nhựt Tâm có tên trong hàng ngũ những người cộng sản.
Sau ngày non sông liền một dải, trong tấm bằng "Tổ quốc ghi công" do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1977, ghi rõ chức vụ của bác sĩ - liệt sĩ Hàng Nhựt Tâm là "Trưởng ty Y tế". Năm 1986, Hội đồng Nhà nước đã truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho liệt sĩ Hàng Nhựt Tâm. Đến tháng 12-2014, cụ Đoàn Thị Qưới, thân mẫu của anh, được truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Nhiều năm nay, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang, cùng các sở, ban ngành hữu quan, hoàn tất hồ sơ và thủ tục đề nghị Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Hàng Nhựt Tâm.
Hơn nửa thế kỷ đã lùi lại phía sau. Những bạn bè cùng khóa bác sĩ (1961-1966) của Trường Đại học Y khoa Hà Nội ngày ấy giờ đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm", nhưng mỗi lần họp mặt, ai nấy đều bùi ngùi xúc động khi nhắc đến Hàng Nhựt Tâm, Đặng Thùy Trâm cùng hàng chục bạn cùng lớp khác đã hy sinh trên chiến trường. Dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, bác sĩ Hàng Nhựt Tâm mãi là tấm gương sáng ngời của một trí thức trẻ dấn thân, "góp mình làm ánh sáng ban mai" (thơ Bùi Minh Quốc).