Công an thành phố Thủ Đức (TPHCM) vừa phát đi thông báo, tất cả các thông tin đăng tải, chạy quảng cáo về việc có thể giúp lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng xã hội đều là giả mạo.
Theo Công an thành phố Thủ Đức, thủ đoạn lừa đảo kẻ gian thường sử dụng là giả danh các công ty, nhân viên tư vấn luật... để chạy quảng cáo sẽ lấy lại được tiền cho các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng, bị treo trên các sàn giao dịch.
Lợi dụng tâm lý nạn nhân khi bị mất tiền thường lên các trang mạng xã hội để than vãn, hỏi thăm, tìm lời khuyên để lấy lại được tiền bị lừa trên mạng xã hội, kẻ lừa đảo sẽ thao túng tâm lý, an ủi, dẫn dụ nạn nhân chuyển một khoản tiền gọi là “phí dịch vụ” hay “phí ủy quyền xử lý”... để giúp lấy lại tiền bị lừa đảo. Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển khoản phí dịch vụ này, những kẻ lừa đảo sẽ biến mất không dấu vết.
Chia sẻ thông tin giúp người dân cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo lấy lại tiền đã bị lừa trên mạng xã hội, Công an thành phố Thủ Đức cho biết thêm, kẻ gian tạo ra các trang web, nhóm Telegram, Zalo, Viber, Facebook chia sẻ vấn nạn “lừa đảo online" và các từ khóa liên quan để nạn nhân tìm kiếm. Kẻ lừa đảo còn có thủ đoạn dùng công nghệ AI giả mạo luật sư, nhân viên ngân hàng, chuyên gia công nghệ an ủi nạn nhân và hứa hẹn lấy lại được tiền bị lừa đảo trên mạng hay bị treo trên các sàn giao dịch…
Công an thành phố Thủ Đức khuyến nghị, khi gặp các trường hợp trên, người dân nên liên hệ ngay với ngân hàng, tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch. Trường hợp các nạn nhân đã bị lừa đảo mất tiền trên mạng xã hội phải lưu lại bằng chứng, trình báo cho công an nơi lưu trú nắm rõ vụ việc, củng cố hồ sơ để các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ việc.