Thận trọng với chiêu thức thao túng tâm lý
Công an quận Hà Đông cho biết ngày 5/4, bà P (sinh năm 1956) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Người này nói rằng bà P bị nghi ngờ có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu bà chuyển tiền trong tài khoản để phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giữ. Do lo sợ nên bà P đã thực hiện 32 lần chuyển tiền, tổng cộng 15 tỉ đồng cho đối tượng. Sau khi nghi ngờ mình bị lừa, bà mới thông báo cho cơ quan công an.
Cách đây không lâu, hồi đầu tháng 4, bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cũng trình báo bị lừa đảo số tiền lên tới hơn 100 tỉ đồng.
Nhận xét về các vụ lừa đảo với số tiền rất lớn xảy ra trong thời gian gần đây, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết kẻ xấu thường sử dụng thủ đoạn dọa dẫm về pháp lý, nhắm vào các phụ nữ lớn tuổi - những người dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi bị cáo buộc vi phạm pháp luật.
Để có thể đe dọa khiến nạn nhân tin tưởng, kẻ xấu trước đó đã thu thập rất nhiều thông tin về nạn nhân như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, người thân. Những thông tin này có thể mua trên "chợ đen" trên Internet. Các nạn nhân khi bị thao túng tâm lý thường dễ dàng nghe theo các yêu cầu của kẻ xấu, kể cả chuyển hết tiền trong tài khoản. Vì thế có những người đã bị mất những số tiền rất lớn.
Nạn nhân của các vụ lừa đảo thường không giới hạn lứa tuổi, từ trẻ em cho đến người già đều có thể trở thành nạn nhân. Đối với mỗi lứa tuổi, kẻ xấu sẽ có chiêu thức lừa đảo khác nhau. Theo thống kê của Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), có 24 hình thức lừa đảo phổ biến trong thời gian qua tại Việt Nam.
Sắp có phần mềm miễn phí cảnh báo lừa đảo
Để giúp hạn chế tình trạng người dân bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã nghiên cứu phát triển phần mềm cảnh báo lừa đảo. Phần mềm này sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân từ tháng 7/2024 trên cả 2 nền tảng iOS và Android. Phần mềm được phát triển dựa trên số liệu thu thập về các trường hợp lừa đảo xảy ra trong những năm qua.
Hiệp hội An ninh mạng quốc gia hy vọng phần mềm này là một công cụ hữu ích phòng, chống lừa đảo giúp cho người dân. Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhấn mạnh rằng công cụ phần mềm chỉ mang tính hỗ trợ, không thể ngăn chặn lừa đảo 100%. Ví dụ khi người dùng cần chuyển khoản đến một tài khoản lạ, phần mềm sẽ giúp kiểm tra xem tài khoản kia có nằm trong "danh sách đen" được thống kê hay không.
Làm sao để không bị thao túng tâm lý?
Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cho biết, một số người sau khi bị lừa đảo sẽ có cảm giác xấu hổ, không nghĩ rằng mình lại bị rơi vào tình huống dễ dàng như vậy. Một số người sẽ chọn cách im lặng và cũng có người sẽ tìm cách lừa lại những đối tượng đã lừa đảo mình để hy vọng lấy lại được tiền. Tuy nhiên những cách làm này đều không đúng. Bởi chúng ta nên biết các đối tượng lừa đảo có thể tiếp tục lừa người khác, do đó cần thông báo rộng rãi để người thân phòng tránh.
Trong trường hợp bị lừa đảo, tốt nhất người dân hãy trình báo với các cơ quan công an. Nếu chúng ta quan sát kỹ 24 tình huống lừa đảo đã xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian vừa qua thì thấy rằng các đối tượng, các vụ việc lừa đảo phần lớn liên quan đến những tổ chức xuyên quốc gia. Cụ thể, các đối tượng nước ngoài thuê người Việt Nam giúp sức và hỗ trợ thực hiện các hành vi lừa đảo người dùng. Thậm chí, chúng đưa những công nghệ, thiết bị từ nước ngoài vào Việt Nam để những đối tượng trong nước giúp sức cho chúng như deepfake, các trạm BTS giả mạo…
Để tránh bị thao túng tâm lý, theo TS Hoàng Cẩm Tú, mỗi cá nhân cần giữ khoảng cách với người khác, không mặc cảm và tự trách bản thân. Dù cho bị ai đó chê bai hay tìm cách nói xấu cần vẫn luôn tin vào những trực giác hoặc suy nghĩ của mình. Đồng thời, chuyển sự tập trung bằng cách đưa ra câu hỏi thăm dò.
Kẻ thao túng hiển nhiên luôn đưa ra yêu cầu và muốn nạn nhân làm theo điều đó. Những yêu cầu này có thể khiến họ phải chật vật và không hài lòng. Do vậy, khi nghe một lời gạ gẫm, yêu cầu không hợp lý, cá nhân hãy đặt sự tập trung ngược lại người đang thao túng bằng cách đặt câu hỏi thăm dò, đồng thời kiêm quyết nói "không" để từ chối nếu không thích.
Ngoài ra, một cách khác để bảo vệ bản thân khỏi bị thao túng tâm lý đó là từ chối sự giúp đỡ mà hãy tự giải quyết vấn đề của mình. Để hạn chế việc bị người khác thao túng tâm lý, mỗi cá nhân cần tránh tiếp xúc với những người có xu hướng thể hiện tình cảm thái quá, khẳng định bản thân và ranh giới của mình; Không đưa ra quyết định vội vàng trong lúc quá buồn bã, lo lắng hay vui mừng tột độ mà cần thời gian suy nghĩ tỉnh táo và lý trí để tránh hậu quả đáng tiếc.
Theo chuyên gia, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước phải làm thế nào phải phát hiện nhanh các vụ việc và sau đó sẽ đưa ra những cảnh báo cho người dân. Ngoài ra, cần xây dựng chế tài phạt nặng những đối tượng sa lưới. Trước đây chúng ta khó phát hiện các đối tượng sử dụng các trạm BTS giả mạo để phát tán tin nhắn brandname (tên thương hiệu/nhãn hàng/ tổ chức...) bởi chúng di chuyển các thiết bị này qua nhiều cung đường. Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào những công nghệ mới có thể phát hiện vị trí của thiết bị khi nó được bật lên để cử lực lượng chuyên trách đến xử lý…
Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp – những nơi mà thường sẽ bị các đối tượng lừa đảo mạo danh – phải tổ chức tuyên truyền cho người dân biết được đâu là những hoạt động chính thức của mình và đâu là những hình thức lừa đảo để họ biết cách phòng, chống. Quan trọng nhất là người dân phải luôn có ý thức nhận diện, phòng chống lừa đảo bởi kẻ gian luôn có rất nhiều chiêu thức. Chưa kịp cảnh báo chiêu thức này đã xuất hiện chiêu thức lừa đảo khác, do đó mỗi người hãy chủ động để phòng ngừa rủi ro.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất ngày 9/5: Nắng nóng ở Nam Bộ có khả năng kéo dài trong những ngày tới.