Từ các nhà dịch tễ học được kính trọng nhất đến các chuyên gia y tế công cộng - những người đã điều hướng những cơn hoảng loạn về dịch bệnh trong quá khứ, từ các nhà luận chiến đến các đảng phái chính trị, không ai có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi đang được hỏi nhiều nhất hiện nay trên thế giới: "Liệu COVID-19 bao giờ kết thúc?".
Nội dung các câu trả lời muôn màu như kính vạn hoa. Nếu một số câu trả lời được đưa ra với sự khiêm tốn tối đa, thì lại có những câu trả lời tràn đầy tự tin về mặt tư duy toán học: Đại dịch sẽ kết thúc bởi vì số người chết cuối cùng cũng giảm xuống mức chúng ta quen thuộc với bệnh cúm mỗi năm. Hoặc nó sẽ kết thúc khi hầu hết dân số được tiêm chủng. Hoặc nó sẽ kết thúc khi con người cuối cùng đã kiệt sức bởi tất cả những hạn chế trong cuộc sống hàng ngày.
Một số nhà khoa học đã xây dựng các mô hình dịch bệnh và đưa ra các dự báo, mô tả những trở ngại còn tồn tại trước khi mọi người có thể tháo khẩu trang ra và tiếp tục cuộc sống của mình.
Monica Gandhi, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư y khoa tại Đại học California tại San Francisco, cho biết: "Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta đang ở trong trận đấu cuối cùng. Các ca bệnh sẽ bắt đầu giảm mạnh vào giữa đến cuối tháng 9 và đến giữa tháng 10 tới, lúc đó virus chỉ còn là mối quan tâm của các chuyên gia y tế, nhưng không thực sự là sự lo lắng quá mức đối với công chúng".
Chuyên gia Gandhi lạc quan nói rằng dựa trên thực tế, tất cả các đợt dịch virus đường hô hấp trước đây đều kết thúc thông qua việc đạt được khả năng miễn dịch, cho dù bằng cách tiêm phòng hay lây nhiễm tự nhiên. Mặc dù virus liên tục thay đổi, có khả năng phá vỡ hệ thống phòng thủ của con người, nhưng chúng biến đổi nhanh chóng và suy yếu theo thời gian.
Tuy nhiên, lại có nhiều lý do để nghi ngờ lý thuyết trên.
Ezekiel Emanuel, giáo sư về chính sách y tế tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết: "Chúng ta đang ở trong một thời điểm không chắc chắn và con người không làm tốt với sự không chắc chắn đó. Rất khó nói với mọi người rằng sẽ phải mất hai hoặc ba năm nữa với đại dịch này. Chúng ta chưa thể trở lại bình thường ngay được".
Tháng 3/2020, giáo sư Emanuel nói rằng nước Mỹ sẽ trở lại bình thường vào khoảng tháng 11/2021. Lúc đó, ông Emanuel bị bạn bè chế nhạo là "Ngài Bi quan". Giờ đây, thông điệp mới của ông - không hề được hoan nghênh – là chí ít phải đến mùa xuân năm 2022 hoặc có thể lâu hơn nữa, phần đông dân số mới có thể trở lại các hoạt động bình thường.
Có một điểm mấu chốt nhận được sự đồng thuận rằng: Đại dịch sẽ kết thúc. Nhiều đại dịch trong quá khứ giờ chỉ còn là một sự phiền toái mà mọi người có thể đối phó đơn giản như cúm hoặc cảm lạnh thông thường.
Câu hỏi đặt ra là khi nào và bằng cách nào chúng ta đến được thời điểm đó.
Jay Bhattacharya, giáo sư y khoa và nhà kinh tế sức khỏe tại Đại học Stanford (Mỹ) cho biết: "Giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã qua. Chúng ta nên coi COVID-19 là một trong 200 căn bệnh ảnh hưởng đến con người".
Theo giáo sư Bhattacharya, động cơ quan trọng thúc đẩy trở lại cuộc sống bình thường chính là vaccine. Vaccine đã giảm thiểu tử vong và nhập viện, đặc biệt là đối với những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất - người già và những người có vấn đề sức khỏe từ trước. "Đối với chúng tôi, đó là điểm cuối của đại dịch bởi vì chúng tôi thực sự không thể làm tốt hơn thế" – giáo sư Bhattachary khẳng định.
Chuyên gia Gandhi cho biết: "COVID-19 sẽ không biến mất. Chúng ta sẽ vẫn mắc phải nó. Một khi khả năng miễn dịch tăng lên, virus sẽ ít gây hại hơn. Mọi người sẽ đối mặt với nó giống như họ bị cảm lạnh thông thường hoặc cúm".
Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế Julie Swann, chỉ có thể trở lại cuộc sống bình thường khi trẻ em được tiêm chủng, tuy nhiên điều đó sẽ không xảy ra trên diện rộng ít nhất là đầu năm sau. "Trẻ em truyền virus cho nhau, cho gia đình, cho cộng đồng của chúng. Vì vậy, bước đầu tiên để hướng tới cuộc sống bình thường là tiêm chủng cho trẻ em, ít nhất là cho trẻ từ 5 tuổi trở lên" – chuyên gia Swann cho hay.
Sài Gòn vững tin - Nguyễn Phi Hùng - Sáng tác Duy An -