Hà Nội

Mở hồ sơ các gói thầu thuốc quốc gia trị giá gần 9.000 tỷ đồng; Đàm phán được giá 15 thuốc biệt dược

04-07-2022 19:54 | Y tế

SKĐS - Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023, giá trị gần 9.000 tỷ đồng; Đồng thời, đã tiến hành đàm phán giá được 15 thuốc biệt dược, thuốc gốc

Tham luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6; 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 4/7, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết công tác y tế nói chung đã đạt được một số kết quả, trong đó nổi bật là việc kiểm soát dịch COVID-19 đã góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Ảnh minh hoạ

Nguyên nhân nào gây thiếu thuốc, vật tư y tế?

Tuy nhiên, theo Lãnh đạo Bộ Y tế, công tác y tế vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập, khó khăn, cần tập trung giải quyết, trong đó thời gian gần đây, Bộ Y tế đã nghe/nhận được báo cáo và phản ánh của các cơ sở y tế về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau, tại nhiều cơ sở y tế cả ở tuyến Trung ương và tuyến địa phương. 

Tại một số cơ sở y tế, không chỉ thiếu các hiếm, thuốc biệt dược để phục vụ điều trị chuyên sâu mà còn thiếu các thuốc điều trị thông thường. Một số cơ sở y tế thiếu vật tư, trang thiết bị, thiếu linh kiện thay thế cho các thiết bị đang vận hành cần sửa chữa, bảo dưỡng.

"Sự thiếu hụt này ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh và việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc y tế"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, tình trạng trên do nhiều nguyên nhân bao gồm cả chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan gồm:

Thứ nhất, tác động tiêu cực của dịch COVID-19, làm đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và vật tư y tế trên toàn cầu;

Thứ hai, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, số lượng người đi khám, điều trị gia tăng nhanh so với thời gian trước, ảnh hưởng đến việc xác định nhu cầu và triển khai kế hoạch mua sắm của các cơ sở y tế; 

Thứ ba, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế có nhiều đặc thù riêng như với số lượng thuốc lớn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế có thể khẳng định, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đó là: tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm của một số địa phương, đơn vị; việc đấu thầu tập trung tại cả Trung ương và địa phương triển khai chậm, chưa kịp thời; gia hạn giấy phép lưu hành các loại thuốc chậm; hệ thống văn bản hướng dẫn hiện hành tản mát, chồng chéo, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện

Mở hồ sơ các gói thầu thuốc quốc gia với trị giá gần 9.000 tỷ đồng; đàm phán giá được 15 thuốc biệt dược, thuốc gốc

Ngay sau khi Bộ Y tế nhận được thông tin về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổ chức mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023, gồm 528 sản phẩm thuốc, với giá trị gần 9.000 tỷ đồng;

Đồng thời, Bộ Y tế đã tiến hành đàm phán giá đối với 62 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn. Hiện đã có 15 biệt dược được nhà thầu đồng ý, số còn lại, đang tiếp tục đàm phán.

Cùng đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã tiến hành cấp giấy chứng nhận lưu hành thuốc cho 1.147 loại thuốc. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 12 của Quốc hội, đầu tháng 6/2022, Cục Quản lý Dược đã gia hạn hiệu lực số đăng ký cho 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài và trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế  tiếp đó, sẽ có khoảng 3.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm y tế... có giấy đăng ký lưu hành hết hạn ngày 31/12/2022 được công bố gia hạn hiệu lực số đăng ký.

"Việc này cơ bản sẽ đáp ứng được danh mục thuốc theo yêu cầu" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và cho biết thêm, Trước đó để đảm bảo đủ thuốc trong khi Trung tâm chưa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, ngày 24/11/2021, Trung tâm có văn bản số 580/TTMS-NVD đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, cơ quan y tế các Bộ, ngành hướng dẫn cơ sở y tế trực thuộc và đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm chủ động mua sắm theo Điều 18 Thông tư 15/2019/TT-BYT; 

Tiếp theo đó, ngày 28/04/2022, Trung tâm tiếp tục có văn bản số 204/TTMS-NVD nhắc lại nội dung của văn bản số 580/TTMS-NVD nêu trên.

Về giải pháp trong ngắn hạn, trước mắt để giải quyết tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã ham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;

Về phía Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá tại Trung ương và địa phương;

Đồng thời sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế như sửa đổi Thông tư số 32 về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; ban hành Thông tư thực hiện Nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế…

"Dự kiến trong tuần sau, Bộ Y tế sẽ ban hành các Thông tư sửa đổi 2 Thông tư vừa nêu"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin.

Bộ Y tế nói về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh ở nhiều nơi Bộ Y tế nói về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh ở nhiều nơi

SKĐS - Theo Bộ Y tế, hiện đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thái Bình
Ý kiến của bạn