Việt Nam mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Các chuyên gia ủng hộ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của người dân về lâu dài.
Những thông tin trên được các chuyên gia thông tin tại hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá do Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức hôm nay – 13/8.
Giá thuốc lá quá rẻ, người Việt hút hơn 4 tỷ bao thuốc một năm
Có những loại chỉ dưới 10.000 đồng/ bao, có loại khoảng 12.000 đồng. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất thuốc lá đã tăng hơn 10%. Chỉ tính riêng năm 2023, lượng thuốc lá sản xuất trong nước đã tăng lên 5,3 tỷ bao. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thuốc lá trong nước năm 2021 là trên 4 tỷ bao. "Chúng tôi nhận định con số này đang gia tăng"- ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho hay.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - bà Đinh Thị Thu Thủy cho hay, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, trung bình 8/10 người chết là do các bệnh không lây nhiễm.
Năm 2019, Việt Nam có 154.000 ca tử vong do bệnh tim mạch bao gồm đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Điều tra STEP 2021 cho thấy, Việt Nam có 15 triệu người bị tăng huyết áp, 4,5 triệu người mắc đái tháo đường, 2 triệu người mắc phổi tắc nghẽn mãn tính, 354.000 người mắc bệnh ung thư.
Đáng chú ý, theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, thuốc lá nằm vị trí thứ hai trong số các yếu tố nguy cơ cao nhất gây bệnh không lây nhiễm.
Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản cả nam và nữ. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá sẽ có một người chết sớm. Trong đó, một nửa số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên (39-65 tuổi).
Giá cao có thể đóng vai trò như một rào cản đối với những người có thể bắt đầu hút thuốc
Đứng trước những tác hại về sức khỏe, tổn thất về kinh tế mà việc hút thuốc lá gây ra với đối với cá nhân, gia đình, xã hội, môi trường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã có các Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội có ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ hợp thứ 9 (tháng 5/2025).
Cụ thể, phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030; phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Cũng theo bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Thông tin và Truyền thông, việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để tác động đến nhận thức và hành vi tiêu dùng thuốc lá được đánh giá trên một số khía cạnh. Trong đó, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp tăng giá bán của sản phẩm; giúp giảm tiêu thụ; giúp ngăn chặn việc bắt đầu.
"Giá cao có thể đóng vai trò như một rào cản đối với thanh thiếu niên, những người có thể bắt đầu hút thuốc lá. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng giá rất hiệu quả trong việc ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên"- bà Nhị Thủy nói.
Theo đánh giá của TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, bà bày tỏ lo ngại, với xu hướng hiện tại sẽ không đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030.
Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt là thực trạng giá thuốc lá rất rẻ. Trong những năm vừa qua, thuốc lá ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn bởi giá vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. Do vậy, tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%. Do vậy theo TS Angela Pratt: Chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đều đề xuất mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá
Tại hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy, cho rằng, để bảo đảm bám sát hơn nữa với các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá phải đạt 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao) vào 2030 bên cạnh thuế tỷ lệ 75%.
Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (70-75% giá bán lẻ), và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.
Chia sẻ với báo chí, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm cho hay, với đề xuất Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Tổ chức Y tế thế giới tin rằng Việt Nam đang có một cơ hội đặc biệt để hướng tới mục tiêu cao hơn và đạt được nhiều lợi ích hơn nữa tới sức khỏe của người dân.
"Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị một phương án cao hơn đó là mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao và đạt 15.000 đồng/bao đến năm 2030, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại"- ThS Lâm nói.
Phương án đề xuất của Tổ chức Y tế thế giới sẽ khiến tỷ lệ hút thuốc giảm tương đối 13%; tỷ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam.
Mặt khác, phương án này cũng sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, ước tính giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020. Các mức này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế hàng thực, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.
Đối với các lập luận cho rằng, việc tăng thuế sẽ làm tăng buôn lậu, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định, bằng chứng cho thấy giá cả không phải là yếu tố dẫn tới hoạt động buôn lậu. Nhiều người hút thuốc lá lậu sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các nhãn hàng không có ở trong nước. Yếu tố quan trọng nhất để giải quyết tình trạng buôn lậu hoặc buôn bán thuốc lá bất hợp pháp là năng lực thực thi và nỗ lực của các cơ quan chức năng.
Khi giá thuốc lá tăng, mọi người sẽ chi tiêu cho các sản phẩm khác. Thêm vào đó, Chính phủ có thêm doanh thu để đầu tư trở lại vào nền kinh tế - vào các lĩnh vực như sức khỏe và giáo dục. Và không giống như thuốc lá, các lĩnh vực này sẽ làm tăng năng suất và tăng trưởng của đất nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng khẳng định, việc tăng thuế làm tăng tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn không chính xác. Theo chuyên gia kinh tế, ThS Đào Thế Sơn, việc làm trong ngành thuốc lá chỉ chiếm 0.39% đến 0.42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Tăng thuế có thể giảm việc làm trong ngành thuốc lá nhưng lại chuyển dịch làm tăng việc làm ở các ngành, nghề khác...