Nhà báo Phạm Hồng Tuyến cho biết, gia đình chị cảm thấy rất khó chịu khi chứng kiến hàng loạt bài hát "Chú voi con ở Bản Đôn" của cha mình bị biến tấu sang một phong cách khác, làm mất đi ý nghĩa của bài hát gốc.
Theo đó, trên mạng đang lan truyền bài hát phái sinh ca khúc "Chú voi con ở Bản Đôn" với những biến thể âm nhạc lẫn phần lời ca khúc khác với bản gốc.
Mấy năm trước, một số khán giả gửi phản ánh với gia đình về việc này song "gia đình bỏ qua vì cũng không muốn làm ầm ĩ". Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian, giờ đây cứ nói "Chú voi con ở Bản Đôn" nhiều khán giả chỉ biết đến bản phái sinh đó mà không biết đến ca khúc gốc.
Ngay cả Bản Đôn - bối cảnh ra đời ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên - giờ người ta cũng hát theo phiên bản này. "Hay thì không nói làm gì nhưng đây là phiên bản lỗi của Chú voi con ở Bản Đôn", con gái nhạc sĩ cho biết.
"Hiện nay tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam ngày càng tinh vi. Trước đây, thường việc vi phạm bản quyền là sử dụng phần lời, phần giai điệu hoặc sử dụng phần bản ghi mà không xin phép tác giả ca khúc. Nhưng giờ đây nhiều chương trình, nhiều ca sĩ trẻ còn sẵn sàng biến tấu một bài hát sang một phong cách khác, làm mất đi ý nghĩa của bài hát gốc.
Điển hình là ca khúc "Chú voi con ở Bản Đôn" của bố tôi - nhạc sĩ Phạm Tuyên đã bị điều chỉnh từ giọng trưởng sang giọng thứ mà chưa hề được sự chấp thuận của tác giả. Mỗi tác phẩm âm nhạc là một "đứa con tinh thần" của tác giả, ai cũng muốn các bạn trẻ thỏa sức sáng tạo, làm mới lại những tác phẩm để bài hát được lan tỏa rộng hơn, nhưng việc làm mới đó vẫn phải xin phép và chỉ khi được sự đồng ý của tác giả thì bản nhạc biến tấu đó (còn gọi là phái sinh) mới được phát hành trên các nền tảng", bà Phạm Hồng Tuyến chia sẻ với báo Dân Việt.
Con gái nhạc sĩ kể thêm, mấy năm trước chương trình Chúng tôi là chiến sĩ làm chủ đề về Tây Nguyên. Biên tập viên chương trình liên hệ gia đình hỏi "có bài hát nào của ông hợp với Tây Nguyên không?".
"Lúc đó tôi gợi ý bài Chú voi con ở Bản Đôn. Ở Tây Nguyên, ai chả biết bài hát này. Thế nhưng khi họ gửi lại gia đình nghe bài hát trước khi lên sóng (do Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk trình bày), tôi cũng té ngửa vì họ hát theo bản phái sinh này. Sau đó phải sửa lại đúng bài hát gốc của ông", bà Tuyến nói.
Bà Tuyến cũng cho hay gia đình cũng chẳng thấy ai xin phép nhạc sĩ để "phái sinh" ca khúc này cả và bản này đã "vi phạm bản quyền" sáng tác của ông.
Năm 2009, chương trình Táo quân đến xin phép nhạc sĩ để được cải biên ca khúc Từ một ngã tư đường phố thành Lụt từ ngã tư đường phố , ông vui vẻ đồng ý ngay. Nhạc sĩ Phạm Tuyên rất ủng hộ sự sáng tạo làm mới tác phẩm của ông, nhưng như vậy không có nghĩa là tùy tiện sử dụng, biến đổi bài hát mà không hề xin phép tác giả.
Chị Phạm Hồng Tuyến bày tỏ thêm rằng, nhạc sĩ Phạm Tuyên không phải là người khó tính nhưng ông cần được tôn trọng với tư cách là một nhạc sĩ lớn, "cha đẻ" của tác phẩm.
Theo hồi ức của nhạc sĩ Phạm Tuyên thì năm 1983, ông cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Hoàng Vân đi thực tế ở Đắk Lắk. Cán bộ tỉnh giới thiệu ba ông về Buôn Đôn - nơi có truyền thống thuần dưỡng voi để thực tế.
Tuy nhiên khi 3 nhạc sĩ tìm đến Buôn Đôn thì đàn voi lớn đi rừng làm việc hết, đi quanh bản ông chỉ thấy mỗi chú voi con nhốt trong một góc nhà. Thấy vậy nhạc sĩ Phạm Tuyên cười dí dỏm: “Không có voi to thì viết về voi con vậy”. Ai cũng ngỡ ông đùa, nhưng đến tối, ông mang bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” vừa sáng tác xong ra dạy cho các em thiếu nhi trong bản thì ai cũng ngỡ ngàng bởi giai điệu âm nhạc Êđê thân thuộc cùng với ca từ ngộ nghĩnh và đáng yêu…
Chỉ một thời gian ngắn sau khi bài hát được nhạc sĩ Phạm Tuyên công bố, “Chú voi con ở Bản Đôn” trở thành một biểu tượng của Đăk Lăk.
“Điều mà tôi vừa bất ngờ, lại vui nhất là hôm đó có cô Quỳnh Mai, người hay viết nhạc hiệu cho Đài Truyền hình Đắk Lắk lúc đó, đã lấy luôn bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” phát lên Đài Phát thanh Truyền hình của tỉnh Đăk Lăk, rồi chọn luôn bài hát của tôi làm nhạc hiệu cho đài. Thế là bài hát cứ thế phát cả ngày, người nghe cũng ngân nga hát theo. Điều đó cho tôi thấy rằng có sự bình đẳng nghệ thuật giữa người lớn và trẻ con. Một bài ca thiếu nhi mà được chọn làm nhạc hiệu như vậy là lớn và oai lắm…”, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại.
Và không chỉ ở Đắk Lắk, “Chú voi con ở Bản Đôn” còn được báo Thiếu niên Tiền Phong giới thiệu trên số Tết Trung Thu năm 1983, được các đài Truyền hình Việt Nam, Tiếng nói Việt Nam tổ chức dàn dựng và phát rộng rãi trên sóng. Bộ GD&ĐT cũng đưa “Chú voi con ở Bản Đôn” vào sách giáo khoa lớp 4 (NXB Giáo dục năm 1984). Rồi cán bộ và nhân dân Đăk Lăk đã mời bằng được nhạc sĩ Phạm Tuyên vào Tây Nguyên lần nữa để tỏ lòng tri ân và tặng cho nhạc sĩ một bức phù điêu hình chú voi Buôn Đôn bằng gỗ - được nhạc sĩ xem là một trong những kỷ vật trân quý nhất đời làm nghề của mình.