Nhiều trường THCS chất lượng cao tổ chức tuyển sinh đầu vào lớp 6
Trong hướng dẫn tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ, nguyên tắc tuyển sinh lớp 6, các trường THCS công lập sẽ tổ chức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định. Riêng những trường THCS được UBND TP Hà Nội công nhận là trường chất lượng cao có thể lựa chọn phương thức tuyển sinh là xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực.
Hiện nay, ngoài các trường tuyển sinh đúng tuyến, tại Hà Nội, ngoài hệ thống trường chuyên, trường trực thuộc đại học có thi tuyển đầu vào lớp 6 gồm THCS Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội), hệ THCS của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thì hiện có 6 trường THCS chất lượng cao có tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6, gồm Trường THCS Cầu Giấy, Trường THCS Thanh Xuân, Trường THCS Lê Lợi - Hà Đông, Trường THCS Nam Từ Liêm, Trường THCS Chu Văn An - Long Biên và hệ THCS trực thuộc Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Ngoài ra, một số trường tư thục chất lượng cao như THCS Ngôi Sao, Archimedes, Lương Thế Vinh, Newton, Đoàn Thị Điểm, Marie Curie, Lômônôxôp, Lê Quý Đôn, Lý Thái Tổ, Nguyễn Siêu… cũng sẽ tổ chức kiểm tra năng lực để tuyển sinh lớp 6.
Hầu hết các trường THCS trên địa bàn Hà Nội đều tuyển sinh thông qua phương thức xét tuyển học bạ cấp tiểu học, kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Kỳ kiểm tra năng lực lớp 6 các trường THCS chất lượng cao được đánh giá rất căng thẳng khi số lượng thí sinh dự thi đông, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh rất hạn chế.
Học sinh ôn thi kín tuần
Theo tìm hiểu, với những học sinh có nguyện vọng thi vào lớp 6 trường chất lượng cao thường phải đi ôn luyện ở các lớp học thêm từ vài năm trước nếu không sẽ khó "có cửa".
Anh Tô Hoàng Anh (ở Nguyễn Trãi, Hà Nội) chia sẻ: "Thi vào lớp 6 ở một số trường chất lượng cao cũng "khốc liệt" như thi vào lớp 10 . Năm nay, gia đình tôi dự định cho con đăng ký dự thi vào 3 trường đó là: THCS Ngoại ngữ, THCS Cầu Giấy và THCS Thanh Xuân. Nếu Trường Ams được phép tuyển sinh lớp 6 năm nay thì tôi cũng cho con thử sức. Trường hợp con đỗ Ams thì đương nhiên là học Ams, còn nếu con đỗ cả ba thì sẽ chọn Trường THCS Thanh Xuân vì trường này gần nhà, tuy nhiên cơ hội để vào trường là điều không hề dễ dàng. Còn nếu con trượt hết thì gia đình lại phải tìm một ngôi trường khác phù hợp".
Nghĩ con học trên lớp không đủ nên anh Hoàng Anh đã phải tìm các lớp học thêm cho con để tăng kiến thức và rèn luyện kỹ năng thi cử. "Con tôi học bán trú cả ngày ở trường nên sẽ đi học thêm vào các buổi tối trong tuần. Hai ngày nghỉ cuối tuần thì lịch học của con tôi cũng kín mít. Biết là con mệt mỏi nhưng để đạt mục tiêu thì cả gia đình phải cố gắng. Cùng một công ông tập nên gia đình đăng ký cho con thi nhiều trường chất lượng cao, vừa để thử sức, vừa để tăng cơ hội đỗ và vừa khẳng định giá trị bản thân".
Với gia đình chị Nguyễn Mai Ngọc (ở Hà Đông), để con thi đỗ lớp 6 trường "có tiếng" thì việc ôn luyện không chỉ là cuộc chạy đua về năng lực mà còn là một cuộc chạy đua về kinh tế. "Ngay từ khi con tôi vào lớp 3, tôi đã phải tìm thầy cô giáo có kinh nghiệm chuyên ôn thi vào các trường chất lượng cao cho con học. Một tuần 2 buổi, tôi đưa con đến lớp học thêm cách nhà hơn 10km của một thầy giáo có tiếng ở Cầu Giấy để ôn luyện với chi phí một buổi học là 300.000 đồng".
Chị Ngọc cho biết, chưa kể chi phí tài liệu ôn thi, một tháng gia đình chị phải chi khoảng 5 triệu đồng cho con ôn thi vào lớp 6 với 3 môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh".
Trên các diễn đàn có con thi tuyển vào các trường chất lượng cao ở Hà Nội thì các phụ huynh đều có chung tâm trạng lo lắng khi cho con thi nhiều trường. Có phụ huynh rất khó để chọn trường cho con nên chấp nhận đóng cọc lên tới vài chục triệu ở các trường khác nhau để đến phút trót mới quyết định và coi đây như một khoản phí rủi ro.
Hãy giảm bớt kỳ vọng chủ quan của gia đình khi chọn trường cho con
Nói về lý do cuộc thi đầu cấp nói riêng và thi vào lớp 6 nói chung luôn "hot", thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên tại Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cuộc đua đầu cấp thêm khốc liệt đó là tình trạng thiếu trường, lớp ở một số quận huyện. Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, đây không phải là nguyên nhân duy nhất, cũng không phải nguyên nhân lớn nhất. Bản chất của cuộc chạy đua là phụ huynh muốn đưa con vào học ở ngôi trường "tốt nhất" trong suy nghĩ của mọi người, đôi khi nó còn là do tin đồn.
Để giảm bớt áp lực này, theo thầy Ngọc, các phụ huynh cần hiểu rằng ngôi trường tốt nhất là ngôi trường "phù hợp nhất" với con và gia đình. Hãy vạch rõ ra các tiêu chí của 1 ngôi trường phù hợp: học phí, khoảng cách di chuyển, văn hóa học tập, truyền thống, thành tích, bạn bè của con... càng nhiều tiêu chí rõ ràng thì càng dễ bù trừ, cân đối và có nhiều lựa chọn. Và trên hết là hãy giảm bớt kỳ vọng chủ quan của gia đình khi chọn trường cho con thì mới dễ lựa chọn được ngôi trường ưng ý.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), hiện nay, đối với tuyển sinh đầu cấp lớp 6, áp lực không đến từ nhà trường mà từ cha mẹ học sinh. Không ít cha mẹ mong muốn con vào trường có tiếng, bắt ép con đi học thêm, luyện thi, luyện đề rất vất vả. Các trường ngoài công lập, trường chất lượng cao có phương án riêng để tuyển được học sinh có năng lực. Do đó, phụ huynh mới là người lựa chọn con đường, hướng phát triển cho con của mình.
"Nếu thi vào lớp 6 mà phụ huynh cho con luyện thi kéo dài sẽ khiến các con bị áp lực, căng thẳng. Ở bậc tiểu học, cha mẹ nên hướng đến phát triển toàn diện các kỹ năng khác, không nên đặt nặng vấn đề con phải thi đỗ vào ngôi trường nào. Dành quá nhiều thời gian đi luyện thi, các con cũng không có tuổi thơ được vui chơi, rèn luyện phát triển sức khỏe".
Năm học 2024-2025, Hà Nội sẽ có hơn 246.000 học sinh vào lớp 6, tăng 58.000 em so với năm vừa rồi. Ngành giáo dục Thủ đô ước tính mỗi năm, số học sinh tăng khoảng 50.000 - 60.000, tương ứng 30 - 40 trường học.
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 do UBND TP. Hà Nội quy định, học sinh thành phố sẽ hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5 và kết thúc năm học trước ngày 31/5.