Cha mẹ của cậu bé P.N. 6 tuổi, ở Cần Đước, Long An đã đưa em đến khoa cấp cứu Bệnh viện trong tình trạng em liên tục ho sặc sụa.
Theo lời kể của gia đình, trước đó, em N. chơi ném cát với bạn cùng xóm và bất chợt có cảm giác hít sặc, ho liên tục và khó thở. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã nhận thấy rõ hội chứng xâm nhập và tắc nghẽn tại phổi phải, hình ảnh chụp X-quang ngực tức thì không cho thấy rõ có dị vật lạ.
Vật thể lạ bằng nhựa cứng gây bít lòng phế quản, xẹp nửa phổi phải bé trai.
Tuy nhiên, sau khi hội chẩn với TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, trưởng khoa Hô Hấp Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, ông đã chú ý đến vùng bẫy không khí trong phim chụp x-quang phổi, kết hợp với phim CT scan ngực cho thấy: có sự hiện diện của một vật thể lạ trong phế quản, dạng hình trụ, bít lòng hoàn toàn nhánh phế quản S9 dẫn tới việc không khí không thể đi qua hoàn toàn vật thể, gây tắc và xẹp toàn bộ nửa phổi phải.
Vật thể lạ bằng nhựa cứng gây bít lòng phế quản, xẹp nửa phổi phải bé trai.
Các bác sĩ quyết định, việc soi phế quản bắt buộc phải thực hiện. Kết quả là một mẩu nhựa cứng khô mà bác sĩ Nhiên và ekip của ông từng mường tượng trước đó là cục đá được gắp ra. Dị vật được lấy ra hết sức cẩn thận và cũng đầy thử thách, do nó nằm sâu và trơn trợt, lại kẹt bít lòng phế quản đã phù nề, viêm trợt do bị chèn ép. Phim chụp X-quang ngực sau đó cho thấy dấu hiệu thông khí phổi tốt, tình trạng xẹp phổi phải đã được giải quyết triệt để.
Dị vật bít đường thở của bệnh nhi.
BS CK1. Nguyễn Cát Phương Vũ Khoa Hồi Sức tích cực Chống độc cho biết, Những năm gần đây, đến những địa điểm vui chơi trẻ em ngoài các trò chơi như game, cầu trượt, vườn cổ tích, câu cá… còn rộ lên trò chơi “xúc hạt”, lắp ráp robot bằng các hạt nhựa nhỏ, xâu vòng...hoặc trò chơi dưới bãi cát đá nhân tạo. Nhìn vào khu vực chơi trò này chúng ta thấy rất nhiều các em nhỏ từ 2 đến 6 tuổi. Chủ yếu là trẻ tự chơi còn bố mẹ thì ngồi bên ngoài quan sát hoặc xem điện thoại. Tuy đây là những trò chơi thú vị nhưng nếu không để ý, sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm.
Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào mồm, hoặc ném qua lại khi chơi cùng nhau. Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh hoặc sau một một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi... Cũng nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: hạt đậu lạc, ngô bắp, vỏ tôm, cua... để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.
Các triệu chứng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí của dị vật trong đường hô hấp. Khi dị vật bị kẹt lại ở thanh quản hay khí quản, trẻ có biểu hiện suy hô hấp hay thở rít – gợi ý ngay chẩn đoán DVĐT. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp (75-94%), dị vật đi xuống phế quản và các dấu hiệu lâm sàng ít hằng định hơn nhiều. Việc chẩn đoán DVĐT phế quản do đó khó khăn hơn do ít hay không có triệu chứng.