Trước đó, theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông Biên thường xuyên bị những cơn do kéo dài, kèm theo sốt không rõ nguyên nhân, người gầy yếu và sút cân nghiêm trọng, có đợt kèm theo đau ngực bên phải, có lúc ho cả ra máu. Người nhà đã đưa ông đi khám tại rất nhiều bệnh viện và được kết luận là lao phổi.
Sau khoảng thời gian chữa trị theo hướng lao phổi xong bệnh tình của ông vẫn không thuyên giảm. Gia đình đã đưa ông về gia đình chăm sóc. Song tình trạng bệnh của ông ngày càng nghiêm trọng. Sau đó, ông Biên được gia đình đưa tới khám tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Hình ảnh nội soi phế quản của người bệnh sau khi gắp dị vật (ảnh BV)
Sau khi tiến hành thăm khám lâm sàng thực hiện nội soi phế quản bằng ống soi mềm các bác sĩ phát hiện 1 dị vật bít gần hết phế quản phân thùy 9. Dị vật đã gây sùi lòng phế quản, nhiễm trùng trong lòng phế quản. Ông Biên được chỉ định nội soi ống cứng gắp dị vật. Dị vật được lấy ra khỏi phế quản của người bệnh là một mảnh xương cá kích thước 12x10x8mm.
Theo BSCKII Đinh Công Sơn,Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu và BSCKII, Phạm Quang Thiện- Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt, đây là trường hợp mắc dị vật rất nguy hiểm, bởi dị vật là một mảnh xương sắc, có nhiều góc cạnh và đã tồn tại rất lâu trong phế quản của người bệnh, dị vật đã gây nhiễm trùng lòng phế quản.
Dị vật sắc nhọn sau khi được gắp ra khỏi phế quản bệnh nhân (ảnh BV)
Nếu không được gắp kịp thời thì sẽ gây viêm phế quản, phổi, áp xe phổi nguy hiểm tới tình mạng của người bệnh. Các bác sĩ còn cho biết thêm, trong quá trình gắp mảnh dị vật các bác sĩ cũng rất khó khăn rất dễ gây trầy xước, tổn thương các tổ chức xung quanh khiến chảy máu ồ ạt gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.