Ngày 10/8, TAND Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên xét xử chủ tịch của tập đoàn Mường Thanh là bị cáo Lê Thanh Thản, về tội Lừa dối khách hàng, theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự. Cùng ra tòa là 4 cựu cán bộ phường Kiến Hưng và quận Hà Đông bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Là những người đầu tiên mua căn hộ trong chung cư CT6C Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) bà Đoàn Mai Hương (62 tuổi) cho biết, năm 2012 vì tin tưởng vào dự án của tập đoàn Mường Thanh bà Hương đã bỏ ra số tiền lớn để mua căn hộ trong tòa CT6C thông qua sàn giao dịch bất động sản, ký hợp đồng trực tiếp với Chủ đầu tư - Công ty Bemes.
Khi đã ổn định cuộc sống, bà và nhiều hộ dân ở đây đã nhiều lần ý kiến bằng văn bản đề nghị Chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp sổ hồng. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư đã tìm mọi cách trì hoãn, kéo dài, thậm chí phớt lờ khiếu nại của cư dân. "Đến năm 2019, khi ông Thản bị khởi tố, chúng tôi mới vỡ lẽ là đã bị ông ấy lừa dối. Cả một tòa CT6C cao 32 tầng nhưng xây dựng trái phép", bà Hương nhớ lại.
Chỉ tay vào mảng tường mới được trát lại, bà Hương cho biết, gần 500 căn hộ của tòa CT6C không được đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy, tường xuống cấp, bong tróc nhưng cư dân không dám sửa chữa. Họ cũng không thể thực hiện giao dịch chuyển nhượng hay mua bán.
"Hơn 10 năm qua, tôi luôn sống trong tâm trạng lo lắng, bất an, bởi số phận khối tài sản lớn nhất của gia đình không biết sẽ bị định đoạt ra sao. Chỉ chờ công lý của phiên tòa xét xử ngày mai", bà Hương ngậm ngùi nói.
Cùng cảnh ngộ với bà Hương, ông Trương Mạnh Thắng (73 tuổi, cư dân tầng 3 tòa CT6C) cho biết, sau khi nghỉ hưu, con gái ông lấy chồng lập nghiệp ở Hà Nội nên vợ chồng ông quyết định bán mảnh đất ở Yên Bái rồi gom góp thêm mua một căn chung cư ở Hà Nội làm động lực cho con.
Năm 2007, khi CT6 Kiến Hưng bắt đầu làm móng, ông Thắng đóng 241 triệu đồng tiền giữ chỗ. Từ đó, ông nộp tiền theo tiến độ căn nhà, tổng cộng hết 1,2 tỷ đồng.
Cuối năm 2012, công trình hoàn thành, bàn giao cho cư dân vào sinh sống. Sau năm 2019, ông Thắng vẫn không có sổ hồng, lại không có hộ khẩu. Mọi sinh hoạt Đảng, lương hưu, bảo hiểm xã hội,... của ông đều ở Yên Bái. Đứa cháu ngoại 11 tuổi của ông Thắng bất đắc dĩ phải nhập hộ khẩu ở Yên Bái, học trái tuyến ở Hà Nội.
"Tôi bỏ tiền mua nhà, nhưng không có hộ khẩu. Không chỉ riêng tôi, 10 năm qua, bao nhiêu hộ dân đều không có hộ khẩu, không được hưởng chế độ, chính sách nào. Nhiều người chắt chiu cả cuộc đời, bán nhà ở quê, vay ngân hàng, vay người thân mới đủ tiền mua nhà nhưng giờ lại không được sở hữu", ông Thắng bức xúc nói.
Ông Kim Diệu Quang - Trưởng Ban Quản trị tòa nhà CT6 cho biết, gần 500 hộ dân trong chung cư CT6C Kiến Hưng bị ông Thản lừa mua nhà từ năm 2012 tới nay. "Chúng tôi chưa được làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở, mấy năm nay cũng không được đăng ký thường trú, nhiều gia đình trẻ em sinh ra cũng không đăng ký được giấy khai sinh. Do đó tư tưởng và cuộc sống không ổn định".
Cũng theo ông Quang hiện nay, nhiều nhà đã xuống cấp, tường bắt đầu lở, nứt, vữa xi măng từ trần rụng xuống từng mảng, nhưng không ai dám sửa sang lại cả. "Cứ tạm bợ qua ngày, vì có phải nhà của mình đâu mà sửa sang. Bỏ ra hàng trăm triệu vào tu sửa xong, chắc gì mình đã được quyền ở lại?", ông Quang phân trần.
Hơn 10 năm đằng đẵng sống trong cảnh nhà không có sổ, những cư dân CT6C chỉ còn hy vọng cuối cùng vào phiên tòa ngày mai. Ông Quang cho biết, đại đa số cư dân có nguyện vọng giữ nguyên hiện trạng tòa CT6C. Nếu phải nhận bồi thường để chuyển đi thì chúng tôi mong muốn nhận bồi thường một lần. Bồi thường theo giá trị thị trường hiện tại cộng với những thiệt hại vật chất lẫn tinh thần hơn 10 năm qua.
Đồng thời, mong muốn Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ, tư vấn cho cư dân CT6C được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình, Trưởng Ban Quản trị tòa nhà CT6 cho biết.