Đường trở về của cuốn nhật ký chiến trường sau hơn nửa thế kỷ
SKĐS - "Hoa con! Nếu như ngày mai thống nhất, ba trở về sẽ mang theo cuốn nhật ký này (nó ở bên ba những ngày đánh Mỹ gian khổ và ác liệt) về cho con xem. Và nếu như ba có hy sinh thì Ban Chính trị sẽ gửi về cho con xem. Qua đây con sẽ hiểu phần nào về ba của con"…
Những dòng chữ đầy cảm xúc này được ghi trong nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số, quê xã Thanh Lam (nay là xã Ngọc Sơn), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trong những trang giấy nhỏ bé ấy, ông đã ghi lại từng đoạn tâm tư khi chiến đấu, nỗi nhớ nhà và tình thương vợ con. Cuốn nhật ký với bao tâm huyết và tình cảm, đã theo ông vào chiến trường và rồi mất tích. Phải gần 60 năm sau, những "lời nhắn nhủ" của người cha mới được tìm thấy và trở về tay con gái của mình...
Từ trang viết tha thiết tiếng gọi con
Trong ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, bà Nguyễn Thị Hoa (59 tuổi) lật giở từng trang nhật ký của người cha. Bà Hoa vẫn chưa tin nổi cuộc hạnh ngộ với kỷ vật thân yêu sau gần 60 năm bom đạn, bể dâu.
Giọng run run, bà Hoa chậm rãi kể: "Đó là một đêm cuối tháng 3, khi vợ chồng tôi đang ngồi xem ti vi thì nhận được cuộc gọi từ con trai. Cháu thông báo rằng một người cháu họ của gia đình có tin về cuốn nhật ký của ba (liệt sĩ Nguyễn Quang Số), được đăng trên trang Facebook của anh Lê Tiến Dũng và sau đó được một trang Đồng Hương chia sẻ lại. Ngay trong đêm hôm đó, tôi đã liên hệ với anh Dũng và nhận được file chụp nhật ký của ba qua mạng để đọc trước".
"Khi tôi mở ra ngay tại trang bìa đề "Nhật ký chiến tranh, tập 1, Thanh Chương. Gửi cho em tôi: Nguyễn Quang Đồng, thôn Nha Giáp, xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương" kèm chữ ký của ba, người tôi run lên và tôi chắc chắn đó là nhật ký của ba mình. Bởi Nguyễn Quang Đồng là tên chú ruột của tôi (em trai liệt sĩ Nguyễn Quang Số), địa chỉ ghi trên nhật ký chính là quê tôi. Tôi đã thức gần như nguyên đêm để đọc từng trang nhật ký của ba, đọc chừng nào nước mắt rơi chừng đó. Khi chạm đến tiếng gọi tha thiết "Hoa con!", trái tim tôi như thắt lại…" – bà Hoa nghẹn ngào.
Lau vội nước mắt nhòe đi sau cặp kính, bà Hoa đọc tiếp: "Hôm nay, ba thấy cần phải tâm sự cùng con. Nếu như mai ngày thống nhất ba trở về sẽ mang theo quyển nhật ký này - nó đã ở bên ba trong những ngày đánh Mỹ gian khổ, ác liệt - về cho con xem. Nếu như ba có hi sinh (cũng là lẽ đương nhiên trong lúc chiến đấu với quân thù) thì Ban chính trị sẽ gửi về cho con xem. Qua đây, con sẽ hiểu biết phần nào về ba của con...
"Đọc đến đâu, tôi khóc đến đó. Những trang giấy, ba nói với tôi về chiến tranh, về truyền thống gia đình, về lý tưởng và hạnh phúc của ông cùng những mong muốn, gửi gắm vào con gái. Dường như ông đã dự cảm được cái chết và xem đây là những lời trăng trối gửi lại cho tôi. Vậy mà, phải mất 56 năm, tôi mới được đọc những câu chữ thấm đẫm yêu thương này. Tôi chỉ mong trời sáng thật nhanh để in những bức ảnh cuốn nhật ký của ba ra..." - bà Hoa kể lại.
Năm 1966, người lính Nguyễn Quang Số hành quân vào chiến trường miền Nam, khi người con gái độc nhất mới 1 tuổi. Ba ra đi khi bà Hoa còn rất nhỏ, vì thế trong ký ức của bà, hình ảnh ba gần như chỉ là một khoảng trắng.
Trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số.
Ba hy sinh, sau một thời gian, mẹ đi bước nữa, có thêm 3 người em, tuổi thơ của bà Nguyễn Thị Hoa trải qua nhiều thiệt thòi, vất vả.
Sau khi học hết cấp 3, bà Hoa đi làm và sau đó lấy chồng. Bốn năm sau, xí nghiệp nơi bà làm giải thể, khiến bà mất việc. Bà đã quyết định mở một tiệm sách nhỏ ở thị trấn Thanh Chương để buôn bán mưu sinh. Nỗi buồn của một đứa trẻ mồ côi cha chưa bao giờ nguôi ngoai.
Trong cuốn nhật ký của mình, người lính Nguyễn Quang Số dành phần lớn thời gian để ghi lại những trận đánh mà ông và đồng đội tham gia, cùng những lý tưởng cao đẹp của một người lính. Ông viết về nỗi nhớ thương cồn cào thường trực dành cho cha mẹ, vợ và con gái. Ngoài ra, ông còn dành nhiều trang giấy để chép những bài thơ của nhà thơ Tố Hữu - những bài thơ là tuyên ngôn của lớp lớp thanh niên trong cuộc trường chinh đánh Mỹ cứu nước.
Trang nhật ký liệt sĩ Nguyễn Quang Số viết cho con gái.
Giữa những trận đánh sinh tử, ông chứng kiến nhiều lần cái chết của đồng đội, người lính đã nhìn thẳng vào sự khốc liệt ấy và có những dự liệu cho chính mình.
Trong trang viết đề ngày 19/9/1968, ông viết cho vợ: "Mấy hôm nay anh nghĩ về em nhiều lắm. Càng nghĩ, càng thương em tha thiết... Nay mai về anh sẽ vun đắp cho em, tạo mọi điều kiện để em đỡ vất vả, gian khổ, em sẽ được tự hào như bao người phụ nữ khác.
Nếu như trong cuộc vật lộn với kẻ thù tàn ác, dã man mà anh có hy sinh thì đây là điều dặn dò trước lúc vĩnh biệt em... Có thương anh thì đừng giữ chữ thủy chung mà khổ. Em cứ mạnh dạn tìm một người để sớm tối đi về cùng em, người đó phải là người đi đánh Mỹ trở về".
Tìm thấy hy vọng từ cuốn nhật ký chiến trường
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Lục (83 tuổi, ở huyện Thanh Chương, vợ của liệt sĩ Nguyễn Quang Số). Năm 1961, ông Số và bà đã cưới nhau khi cả hai còn ở độ tuổi đôi mươi. Sau khi nhập ngũ, ông Số được điều ra Vĩnh Phúc để học tập tại trường quân sự, và bà cũng theo ông đi và làm việc trong một xí nghiệp gạch ngói để được ở gần chồng.
Một ngày cuối tháng 10/1967, người lính Nguyễn Quang Số nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Đó là lần cuối cùng bà Lục được gặp chồng mình.
Người vợ trẻ chỉ biết rằng chồng đi đánh Mỹ, nhưng không biết chính xác ở đâu và điều gì xảy ra với ông. Vào năm 1971, bà nhận được giấy báo tử của chồng, ghi đơn vị NB, cấp bậc trung đội trưởng, hy sinh tại mặt trận phía Nam.
Sau đó, bà Lục tái giá, có gia đình riêng, chị Hoa là phận con gái, nên việc tìm hài cốt liệt sỹ Nguyễn Quang Số vẫn chưa thể thực hiện được.
Theo ông Lê Tiến Dũng (51 tuổi) - Nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sĩ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sĩ về quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh, cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số đã được ông nhận từ Hội hỗ trợ liệt sĩ Việt Nam để tìm kiếm, kết nối và trao lại cho gia đình.
Bản ảnh cuốn nhật ký được lưu trữ tại Đại học Kỹ thuật Texas (Mỹ). Các tài liệu cho thấy rằng, đây là tài liệu thu được từ phía Mỹ sau trận đánh của Tiểu đoàn 3, đặc công Miền vào căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) vào ngày 26/2/1969 - trùng khớp với thời điểm liệt sĩ Nguyễn Quang Số được ghi nhận hy sinh trong giấy báo tử. Sau khi thu được cuốn nhật ký này cùng một số tài liệu khác, phía Mỹ đã sao chép lại để sử dụng trong công tác nghiên cứu thông tin về các đơn vị của phe đối lập.
Cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số ấn tượng ngay từ trang bìa với nét chữ bay bổng, ghi chép cẩn thận, sạch sẽ dù trong hoàn cảnh mưa bom, bão đạn.
Cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số gây ấn tượng ngay từ trang bìa với nét chữ bay bổng, được ghi chép cẩn thận và sạch sẽ, dù nó đã trải qua những hoàn cảnh khắc nghiệt như mưa bom, bão đạn. Có những trang nhật ký ghi lại cảm xúc sâu lắng dọc đường hành quân, những gian khổ trong cuộc kháng chiến và lời thề quyết tâm đánh đuổi kẻ thù.
Trang nhật ký đề ngày 26/5/1968, ông viết: "Trận chiến đấu vừa qua đơn vị chúng tôi được lệnh đánh vào Trảng Lớn - Tây Ninh, nằm ngay cạnh núi Bà Đen và thị xã. Nơi đây, Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới của Hoa Kỳ đã bị đơn vị chúng tôi nhấn chìm trong lửa hỏa lực của B40 và tiếng nổ dữ dội của thủ pháo, bộc phá... Tại Tây Ninh, Mỹ chưa bao giờ thua đau như vậy".
Ở một trang viết khác, nhật ký đêm 22/8/1968 ở núi rừng Tây Ninh, người lính ấy đã viết: "Chưa bao giờ anh em hành quân lại mang nặng như lần này… Thương anh em quá! Thương yêu đồng đội không chỉ nói bằng mồm hay chỉ ghi vào nhật ký được, mà phải thể hiện trên công tác phục vụ của mình…".
Suốt dọc đường hành quân, người lính Nguyễn Quang Số cũng trải lòng về nỗi nhớ thầy mẹ, nhớ vợ con, về nỗi xúc động khó tả "vui mừng mà bùi ngùi" khi được tranh thủ về qua nhà gặp người thân thể hiện trong trang nhật ký đề ngày 27/8/1968: "em Đồng ra cổng đón, rồi mẹ, rồi ông… Em Đồng lớn quá, mẹ đã già đi nhiều, ông thì hai mắt đã loà… mình cố nén nhưng nước mắt cứ trào ra…".
Trong cuốn nhật ký của mình, khi tâm sự với người thân, liệt sĩ Nguyễn Quang Số luôn xác định tâm thế về sự hy sinh một cách bình thản. Các trang nhật ký viết cho thầy mẹ, vợ và cô con gái nhỏ của liệt sĩ Nguyễn Quang Số đề ngày 19/9/1968, sau khi ông trải qua "một giấc mơ vô cùng lý thú. Trong những ngày ốm đau, hình ảnh thầy mẹ, vợ con và em Đồng lúc nào cũng hiện lên trước mắt… Từ đó cho đến sáng, mình không thể nào ngủ được…". Ông nhắn gửi thầy mẹ: "Nếu như con có hy sinh thì trước lúc vĩnh biệt thầy mẹ, con gửi lời nhắn thầy mẹ biết: Con của thầy mẹ rất xứng đáng"…
Với những thông tin đề cập trong cuốn nhật ký, thời gian hy sinh và thông tin được phía Mỹ giải mã, ông Lê Viết Dũng nhận định, người lính Nguyễn Quang Số thuộc quân số của Tiểu đoàn đặc công 3, Bộ tư lệnh Miền. Ông chiến đấu và hy sinh vào ngày 26/2/1969, khi các lực lượng quân giải phóng tiến đánh căn cứ sư đoàn "Tia chớp nhiệt đới" của Mỹ ở Đồng Dù (huyện Củ Chi, TPHCM).
"Trước đến giờ không có một tin tức gì cả. Bây giờ, có thêm cuốn nhật ký này thì cũng có tia hy vọng có thể tìm được mộ của ba và đưa ba về với quê hương." - bà Hoa hy vọng.
Hoàng Minh