Hà Nội

22 năm xuyên biên giới tìm hài cốt Liệt sỹ theo mệnh lệnh từ trái tim

27-07-2023 10:20 | Xã hội

Đối với chiến sỹ Đội K71, hành trình tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt Liệt sỹ trên đất nước Campuchia kéo dài hơn 22 năm không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim.

22 năm xuyên biên giới tìm hài cốt Liệt sỹ theo mệnh lệnh từ trái tim - Ảnh 1.

Cất bốc hài cốt Liệt sỹ. (Nguồn: TTXVN)

Hơn 22 năm qua, các chiến sỹ Đội quy tập, tìm kiếm hài cốt Liệt sỹ K71, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh vẫn thầm lặng lên đường sang các tỉnh biên giới Campuchia để tìm kiếm, quy tập hài cốt theo mệnh lệnh từ trái tim. Nhờ đó, đã có 3.039 hài cốt Liệt sỹ hy sinh trên chiến trường Campuchia được tìm thấy và đưa về Đất Mẹ.

Trách nhiệm của người đang sống

Trải dài trên địa bàn các tỉnh Siem Reap, Banteay Meanchey, Oddar Meancheay (Vương quốc Campuchia) là nơi các anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Theo ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt Liệt sỹ (Ban Chỉ đạo 515) Tây Ninh, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân địa phương luôn quan tâm đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sỹ bằng cả trái tim và trách nhiệm với tinh thần "Hễ còn một hương hồn chưa về với Đất Mẹ, còn một mộ bia chưa được gọi tên là nỗi đau, là trách nhiệm chưa tròn của người đang sống."

Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sỹ ở Campuchia là chủ trương lớn của hai Chính phủ Việt Nam-Campuchia; là sự phối hợp giữa Quân khu 2, 4, 5 (Việt Nam) với Quân đội Hoàng gia Campuchia, chính quyền và nhân dân các tỉnh giáp biên (Vương quốc Campuchia). Nhờ đó, hàng ngàn hài cốt Liệt sỹ từng nằm sâu dưới lòng đất hàng chục năm đã được tìm thấy, quy tập và hồi hương.

Trong suốt 22 năm qua, các chiến sỹ Đội K71 không mệt mỏi trên hành trình xuyên biên giới để tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt Liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia.

Đội K71 là đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh được thành lập từ năm 2000 theo Quyết định của Bộ Tổng tham mưu.

Đại tá Đỗ Thành Việt, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh, xúc động cho biết trải qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, đã có hơn 1 triệu cuộc chia tay không có ngày đoàn tụ. Biết bao gia đình không biết các Liệt sỹ là thân nhân đang nằm lại nơi đâu. Vì lẽ đó, việc tìm kiếm hài cốt Liệt sỹ làm nhiệm vụ chính trị nhân văn, thể hiện lòng biết ơn sâu đậm đối với các thế hệ đi trước đã anh dũng hy sinh.

Theo Đại tá Đỗ Thành Việt, hơn 22 năm kể từ khi thành lập, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đội K71 luôn xác định và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị thiêng liêng, cao cả của mình. Các cán bộ, chiến sỹ tâm niệm dù phải vượt qua bao khó khăn, thử thách ở nơi rừng thiêng nước độc, sự thay đổi địa hình nhưng vẫn cố gắng tìm bằng được các chú, các anh đưa về an táng nơi Đất Mẹ để thỏa lòng mong nhớ của gia đình, người thân cũng như địa phương, đơn vị.

Với kết quả đạt được, tập thể và các cá nhân thuộc Đội K71 đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba.

Ngoài ra, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu và Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng tặng nhiều bằng khen cho các tập thể, cá nhân của đơn vị trong hơn 22 năm qua.

Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh nhận định các cán bộ, chiến sỹ luôn ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, phong tục tập quán ở nước bạn Campuchia trong khi làm nhiệm vụ; đồng thời, kết hợp công tác dân vận, triển khai tốt các chính sách an sinh xã hội, nên được cán bộ, chiến sỹ, chính quyền và nhân dân nước bạn nhiệt tình hỗ trợ, ủng hộ, cung cấp nhiều thông tin có giá trị.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để cán bộ, chiến sỹ Đội K71 hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đề án được xác định trong thời gian tới.

Mệnh lệnh từ trái tim

Thượng tá Phan Văn Long, Chính trị viên Đội K71 , cho biết đối với chiến sỹ Đội K71, hành trình tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt Liệt sỹ trên đất nước Campuchia kéo dài hơn 22 năm không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim.

Cũng theo Thượng tá Phan Văn Long, trong quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị đã gặp nhiều khó khăn như: khó xác định vị trị an táng ban đầu do địa hình bị thay đổi sau nhiều năm; các nhân chứng đã cao tuổi, giảm trí nhớ, hoặc đã mất; thời tiết khắc nghiệt; đường rừng núi khó đi lại, đất đai khô cằn…

Có những lần, cả đơn vị vất vả trong thời gian dài nhưng việc tìm kiếm không đạt được kết quả khiến nhiều chiến sỹ chán nản. Tuy nhiên, nhờ mệnh lệnh đặc biệt từ trái tim, các chiến sỹ từ cấp Đội đến Phân đội đã động viên nhau đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để rồi vỡ òa hạnh phúc khi tìm được những hài cốt Liệt sỹ nằm sâu trong lòng đất.

22 năm xuyên biên giới tìm hài cốt Liệt sỹ theo mệnh lệnh từ trái tim - Ảnh 2.

Đội an táng tiến hành an táng hài cốt Liệt sỹ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước Campuchia. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Tự hào khi 2 lần được tham gia hành trình tìm kiếm 86 hài cốt Liệt sỹ trong mùa khô 2022-2023, binh nhất Bùi Trần Quốc Thế (chiến sỹ Đội K71) kể lại: "Do lần đầu đi tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sỹ nên em vừa lo, vừa sợ. Nhưng khi nhìn thấy những bộ hài cốt của các chú, các bác nằm sâu dưới lòng đất lạnh lẽo, em thấy dâng trào cảm xúc. Khi mang hài cốt về nước, trong lòng em vô cùng tự hào khi thực hiện được ước nguyện đưa các bác trở về với Đất Mẹ."

Ngày 26/7/2023, Nghĩa trang Liệt sỹ Đồi 82 - nơi yên nghỉ của hơn 14.880 Liệt sỹ - đã đón nhận thêm 86 hài cốt. Tất cả đều chưa xác định được danh tính.

Ông Võ Văn Trung (sinh năm 1973, quê huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, con Liệt sỹ Võ Văn Sáu, hy sinh năm 1979 tại Campuchia) đã vượt hàng trăm km về Tây Ninh để viếng và thắp hương trên mộ cha.

Cha ông Trung hy sinh hơn 44 năm trước và được quy tập về nghĩa trang Liệt sỹ này từ nhiều năm qua. Mỗi năm, ông và gia đình đều đến đây thắp hương.

"Sau khi các đơn vị chức năng Tây Ninh hỗ trợ các thủ tục liên quan, một ngày không xa nữa, gia đình chúng tôi sẽ đưa ba trở lại quê nhà," ông Trung xúc động cho biết.

Chiến tranh đã đi qua, quá khứ dần khép lại nhường chỗ cho niềm vui, hạnh phúc với cuộc sống mới. Tuy nhiên, hạnh phúc sẽ chưa trọn vẹn khi còn đó những nỗi đau vợ mất chồng, mẹ mất con, anh mất em, những mộ Liệt sỹ chưa có danh tính, những hài cốt hồn Liệt sỹ chưa được về với Đất Mẹ...

Vì vậy, hành trình tìm kiếm hài cốt Liệt sỹ vẫn được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong những năm tiếp theo.

Giang Phương (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến của bạn