Được Mỹ đồng ý, Đức sẽ chuyển giao 5 hệ thống Patriot cho Ukraine

23-07-2025 08:07 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chính phủ Đức xác nhận sẽ sớm chuyển giao hệ thống phòng không tầm xa MIM-104 Patriot cho Ukraine "càng sớm càng tốt", sau khi đạt được thỏa thuận phối hợp với Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã xác nhận kế hoạch này, cho biết Berlin sẽ chuyển giao 5 hệ thống MIM-104 Patriot, từ kho dự trữ quốc gia vốn đã rơi vào tình trạng gần như cạn kiệt.

Được Mỹ đồng ý, Đức sẽ chuyển giao 5 hệ thống Patriot cho Ukraine- Ảnh 1.

Bệ phóng tên lửa đất đối không từ hệ thống phòng không Patriot.

Đây là một phần trong thỏa thuận đã được Đức nhất trí với Washington, nhằm tiếp tục hỗ trợ Ukraine tăng cường năng lực phòng thủ tầm xa, trước các đòn tấn công ngày càng tinh vi của Nga.

Phát biểu sau cuộc họp lần thứ 29 của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, ông Pistorius cho biết Đức không chỉ cung cấp Patriot, mà còn tài trợ thêm tên lửa đất đối không và hỗ trợ sản xuất máy bay không người lái (UAV) tầm xa ngay tại Ukraine.

Đáng chú ý, ông cũng xác nhận rằng các hệ thống Patriot lẽ ra được giao cho Thụy Sĩ theo một hợp đồng quốc phòng trước đó, sẽ tạm thời bị hoãn lại. Các hệ thống này sẽ được chuyển hướng cho lực lượng vũ trang Đức để thay thế cho số Patriot sắp gửi đến Ukraine. Chính phủ Thụy Sĩ được cho là đã chấp thuận điều chỉnh này và thời điểm bàn giao cho Berlin sẽ được lùi đến giai đoạn 2027–2028.

Tuy nhiên, sự đảo chiều trong chính sách của Berlin khiến dư luận không khỏi bất ngờ, nhất là khi chỉ vài tháng trước, giới chức Đức vẫn khẳng định không thể cấp thêm Patriot cho Ukraine do nguồn lực hạn chế.

Bộ trưởng Pistorius từng tuyên bố rằng Đức chỉ còn lại sáu khẩu đội Patriot: ba chiếc đã gửi sang Ukraine, hai chiếc đang triển khai ở Ba Lan và một chiếc phục vụ nhiệm vụ huấn luyện trong NATO.

Tháng 4/2024, cựu Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng thừa nhận, rằng kho dự trữ Patriot của nước này "gần như đã cạn", bà đã kêu gọi các đồng minh NATO đánh giá lại toàn bộ năng lực phòng không ở châu Âu, cũng như toàn cầu để tìm nguồn hỗ trợ thêm cho Ukraine.

Thực tế cho thấy việc gửi thêm Patriot cho Ukraine không chỉ là bài toán khó về năng lực, mà còn về tài chính. Mỗi hệ thống Patriot có giá lên tới 2,5 tỷ USD, khiến việc viện trợ trở thành gánh nặng đối với các nước phương Tây, đặc biệt là trong bối cảnh Ukraine đã liên tục bị mất các hệ thống đắt đỏ này trên chiến trường.

Từ tháng 3/2024, nhiều hình ảnh từ UAV đã xác nhận các đòn tấn công chính xác của Nga phá hủy nhiều thành phần quan trọng của hệ thống Patriot, trong đó có cả radar điều khiển hỏa lực. Vụ tấn công gần đây nhất vào đêm 21/7 đã đánh trúng một hệ thống còn lại của Ukraine, phá hủy ba bệ phóng và radar AN/MPQ-65 đi kèm, một thiệt hại nghiêm trọng khi Kiev hiện chỉ còn số lượng rất hạn chế Patriot trong tay.

Không chỉ bị hao hụt về số lượng, hiệu quả thực chiến của hệ thống Patriot cũng đang bị đặt dấu hỏi. Theo các nguồn tin từ cả Ukraine lẫn phương Tây, hệ thống này ngày càng tỏ ra kém hiệu quả trước các tên lửa đạn đạo tối tân của Nga. Các tên lửa Iskander-M, vốn được sử dụng rộng rãi trong các đợt tập kích gần đây, đã cho thấy khả năng cơ động cao trong giai đoạn bay cuối, khiến chúng khó bị theo dõi và đánh chặn

Ngày 26/5, người phát ngôn Không quân Ukraine Igor Ignat đã thừa nhận, rằng Patriot gặp khó khăn khi đối phó với các tên lửa Iskander, do chúng có thể thực hiện các động tác cơ động và thả mồi bẫy nhằm đánh lừa hệ thống dẫn đường của tên lửa phòng không.

Được Mỹ đồng ý, Đức sẽ chuyển giao 5 hệ thống Patriot cho Ukraine- Ảnh 2.Lính Nga phát hiện mìn chống tăng Ukraine giấu trong... thân cây

SKĐS - Một video do hãng tin Nga RIA Novosti công bố, đã gây xôn xao khi tiết lộ quân đội Ukraine giấu mìn chống tăng bên trong thân cây.


Xuân Minh
(theo DW, Bloomberg)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn