Phòng không Ukraine rơi vào khủng hoảng sau đòn tấn công của Nga

22-07-2025 10:45 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 21/7, Nga đã tiến hành một cuộc không kích quy mô lớn nhắm vào các mục tiêu quân sự và hạ tầng chiến lược của Ukraine.

Theo thông tin từ phía Kiev, cuộc tấn công từ Nga bao gồm 426 máy bay không người lái (UAV), kết hợp với hàng loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, đánh dấu một trong những đợt tấn công có quy mô lớn nhất kể từ đầu xung đột.

Phòng không Ukraine rơi vào khủng hoảng sau đòn tấn công của Nga- Ảnh 1.

Bệ phóng Patriot MIM-104. (Nguồn: MW)

Sức mạnh ngày càng tăng của các cuộc tấn công từ Nga được hậu thuẫn bởi sự bùng nổ trong sản xuất vũ khí. Đặc biệt, dòng UAV cảm tử Geran-2, đây là phiên bản nội địa hóa từ Shahed-136 của Iran, đã được Nga tăng sản lượng một cách chóng mặt.

Nếu như hồi đầu năm, sản lượng chỉ ở mức khoảng 300 chiếc mỗi tháng, thì đến tháng 5, Nga đã có thể sản xuất hơn 100 chiếc mỗi ngày. Mục tiêu tiếp theo là đạt công suất 500 chiếc/ngày. Cùng lúc đó, các dòng tên lửa chiến thuật như Kh-101 và Iskander (9K720) cũng đang được đẩy mạnh sản xuất, vượt xa mức tiền chiến.

Sau thất bại nặng nề trong chiến dịch phản công tại khu vực Kursk, nhiều đơn vị tinh nhuệ và thiết bị quân sự hiện đại của Ukraine đã bị xóa sổ, trong khi Nga lại đang tăng cường lực lượng dọc theo tiền tuyến. Trong tình hình đó, Ukraine buộc phải trông cậy nhiều hơn vào các hệ thống phòng không hiện đại, nhưng chính lực lượng này cũng đang bị tổn thất nặng nề.

Một trong những cú đòn nghiêm trọng nhất trong đợt tấn công vừa qua là việc ba bệ phóng tên lửa Patriot và một radar AN/MPQ-65, vốn thuộc một trong số ít tổ hợp Patriot còn lại của Ukraine, đã bị phá hủy.

Mặc dù chưa rõ loại UAV hay tên lửa nào được sử dụng trong đòn đánh này, nhưng theo nhiều nguồn tin từ phía Nga, đây là một đòn tấn công có chủ đích nhằm vào các mục tiêu phòng không cốt lõi.

Tổ hợp Patriot là hệ thống phòng không tiên tiến bậc nhất mà phương Tây từng viện trợ cho Ukraine, với giá trị lên tới 2,5 tỷ USD mỗi tổ hợp. Việc mất đi những thành phần quan trọng như bệ phóng và radar, không chỉ khiến khả năng đánh chặn của Ukraine suy giảm nghiêm trọng, mà còn tạo ra lỗ hổng lớn trong lớp phòng thủ chiến lược, đặc biệt là vào thời điểm các kho dự trữ Patriot của phương Tây cũng đang cạn kiệt và rất khó thay thế.

Ngay cả khi còn nguyên vẹn, hệ thống Patriot cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đối phó với các loại tên lửa Nga hiện đại. Nhiều báo cáo gần đây từ Ukraine và phương Tây đều thừa nhận rằng, các tên lửa đạn đạo Nga ngày càng khó bị đánh chặn do khả năng cơ động cao và được trang bị mồi bẫy điện tử.

Người phát ngôn của Không quân Ukraine Igor Ignat, từng thừa nhận hôm 26/5 rằng, các tên lửa Iskander có thể thực hiện "các động tác né tránh ở giai đoạn cuối" khiến hệ thống Patriot "gặp khó khăn trong việc tính toán quỹ đạo đánh chặn". Ông cũng cảnh báo rằng Iskander còn có thể "thả mồi bẫy để đánh lừa tên lửa phòng không".

Thêm vào đó, Nga được cho là đã mua sắm các loại tên lửa đạn đạo tiên tiến từ một số quốc gia, trong đó có mẫu KN-23B, có khả năng cơ động tương tự Iskander. Ngoài ra, việc mở rộng dây chuyền sản xuất UAV, đặc biệt là dòng Geran-2, giúp Nga duy trì khả năng tấn công ồ ạt với mật độ ngày càng dày đặc.

Phòng không Ukraine rơi vào khủng hoảng sau đòn tấn công của Nga- Ảnh 2.Châu Âu 'chê' vũ khí Mỹ vì tên lửa Nga dễ dàng 'qua mặt' Patriot

SKĐS - Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), hệ thống phòng không Patriot – niềm hy vọng lớn của phương Tây trong việc bảo vệ bầu trời Ukraine, đang gặp nhiều khó khăn trước các loại tên lửa ngày càng tinh vi của Nga.


Xuân Minh
(theo RIA Novosti, TASS)
Ý kiến của bạn