Hà Nội

Đừng để ngày Nhà giáo bị làm 'hư'

14-11-2024 08:08 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Những đổi thay của đất trời khi tờ lịch trên tường nhích dần đến ngày 20/11 làm những người thầy lòng cũng thêm xuyến xao, bồi hồi, đặc biệt đối với thầy cô có nhiều năm cống hiến, đã trải qua bao cái "tết thầy" trong cuộc đời đi dạy của mình.

Những ngày xưa, cả thầy và trò ai cũng háo hức trông đợi cái ngày mà người ta gọi là "tết thầy cô" này. Trên mọi nẻo đường khi sắp đến ngày 20/11, đâu đâu cũng thấy hoa. Hoa ngập tràn sân trường, hoa ngát hương trên từng lớp học. Những tấm bưu thiếp chúc mừng nhận từ học trò phương xa gửi về xếp đầy trong những trang giáo án còn đang soạn dở. Những món quà bé con ấy lại có sức lan tỏa năng lượng hơn bất kỳ thứ vật chất cao sang nào. Những người đứng trên bục giảng giàu tri thức nhưng nghèo vật chất cảm thấy mình được tôn vinh, được an ủi phần nào trong những tháng ngày chật vật lo áo cơm.

Rồi gian khó cũng qua đi. Thầy cô bây giờ cuộc sống không còn vất vả chuyện áo cơm như ngày trước nữa, xã hội cũng chú trọng hơn những người làm giáo dục.

Đừng để ngày Nhà giáo bị làm 'hư'- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Ngày xưa tình cảm thầy trò trong những ngày 20/11 nó vô tư, trong sáng lắm. Học trò tặng thầy cô giáo của mình bằng những bó hoa nhỏ không cầu kỳ có khi chỉ là "cây nhà lá vườn" mà các em kiếm được. Những món quà giản đơn đôi khi chính các em tự làm, tự trang trí rồi đem đến lớp tặng thầy. Những lời chúc, những bài hát về người thầy được các em chuẩn bị rồi cả thầy và trò cùng vui trong ngày dành cho mình hết sức ý nghĩa. Thầy cô như được nạp thêm chút năng lượng tích cực để đi tiếp những chặng đường dài tiếp theo trong đời mặc cho bao thị phi vẫn thường xảy ra.

Cuộc sống ngày càng đổi thay và những cái "tết thầy" cũng khác trước. Khi những món quà vật chất mà phụ huynh ở những nơi như thành phố, thị xã, thị trấn... đại diện con mình tặng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy những môn học quan trọng, ngày Nhà giáo đã mất đi ý nghĩa ban đầu của nó.

Một khi tiền bạc xen vào tình cảm thì sự tôn vinh cũng chẳng còn. Ngày 20/11 trở thành một ngày như mọi ngày khi có nơi còn cấm học sinh thăm thầy cô nữa. Những cái "tết thầy" cứ dần dần trở nên nhạt nhòa.

Ngồi quán cà phê nghe mấy phụ huynh bàn bên cạnh gọi ngày 20/11 là "ngày thu nhập" làm ông giáo già như tôi nghe như xát muối trong lòng. Có phụ huynh còn đề nghị "bắn" vào tài khoản của cô cho tiện khác gì "nã đạn" vào sự tôn vinh.

Họ "đau đầu" vì không biết phải mua quà gì, phong bì bao nhiêu cho phải. Chẳng biết suy nghĩ "lệch lạc" như thế bởi do đâu? Do phụ huynh sợ con mình không được chăm sóc chu đáo ở trường mà đua nhau làm "hư" cái ngày ý nghĩa này chăng. Nếu chẳng ai phong bì với quà cáp mà hãy để học sinh tự thể hiện tình cảm của mình thì chẳng có sự so sánh nào.

Với chúng tôi, ngày 20/11 như một dịp để ngồi lại cùng nhau kể cho nhau nghe về bao kỷ niệm, bao buồn vui với cái nghề mà mình gắn bó suốt cả cuộc đời. Là cái mốc để ngửa đôi bàn tay để đếm bao nhiêu năm mình đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Những món quà đắt giá, những chiếc phong bì cũng chẳng làm chúng tôi khá hơn mà chính nó đánh mất ý nghĩa bấy lâu nay của ngày mà xã hội dành cho.

Đời nhà giáo thanh bạch, túng thiếu bấy lâu nay rồi cũng sẽ qua. Chúng tôi cần những lời khích lệ, cần một môi trường bình yên để giáo dục thế hệ trẻ của đất nước. Xin phụ huynh đừng làm khó cho giới cầm phấn chúng tôi. Chỉ mong sao chút bình yên lắng đọng để làm kiếp con tằm rút ruột nhả tơ rồi về với kén. Những thị phi, những điều tiếng đó đây xin gửi vào khoảng lặng thinh không để tâm can sạch trong mà tiếp tục công việc trồng người bởi chúng tôi "đã mang lấy nghiệp vào thân".

Là một người cầm phấn đang tiến gần đến vạch đích của sự nghiệp trồng người, tôi đã trải qua bao gian truân, bao thăng trầm cùng ngành sư phạm. Những được mất, hơn thua giờ chỉ còn là hư vô. Cả cuộc đời gắn bó cùng nó giờ chỉ mong sao tròn vai và còn đủ sức để hoàn thành nốt chặng đường cuối cùng trước khi vẫy tay chào tạm biệt. Những tôn vinh, ngợi ca bằng bao mỹ từ cho ngày này chúng tôi xin gửi lại. Những món quà đắt tiền, những chiếc phong bì có thể biến môi trường trong lành nhất này thành nơi mua bán, đổi chác.

Với những người làm giáo dục, thành công của học sinh chính là món quà lớn nhất mà chúng tôi được nhận. Xin đừng để thế giới vật chất xen vào sự tinh khiết của tình thầy trò. Trái tim của những kỹ sư tâm hồn bao giờ cũng đỏ rực như cánh phượng nơi sân trường mặc cho bao thăng trầm của cái ngành mình đang phụng sự. Ngoài kia những đổi thay của đất trời làm cho ta thêm chút xao động. Bao đóa hoa xinh cũng đã bắt đầu ngập tràn phố xá. Đó chính là niềm yêu thương mà xã hội vẫn còn dành cho nghề giáo.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!


Bùi Duy Phong
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn