Đề xuất không công khai sai phạm của nhà giáo có phù hợp?

26-10-2024 07:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Đề xuất không công khai sai phạm nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng khiến nhiều người băn khoăn.

Trong Dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất, những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo có nội dung: "Không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý".

Đề xuất này nhận nhiều ý kiến khác nhau, có người cho là nhân văn, bảo vệ quyền lợi, danh dự của nhà giáo nhưng cũng có người băn khoăn việc này sẽ dẫn tới bưng bít thông tin tiêu cực, sai phạm của nhà giáo.

Bộ GD&ĐT lý giải

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho hay, có ý kiến băn khoăn về quy định "không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo" vì cho rằng quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và "bênh vực" nhà giáo.

Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định.

Theo Bộ GD&ĐT, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.

Quy định này có phù hợp với hiến pháp và pháp luật?

Về vấn đề này, TS. Đặng Văn Cường - giảng viên Luật hình sự, Trường Đại học Thủy Lợi cho rằng, quy định không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức là phù hợp với hiến pháp và pháp luật để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của nhà giáo và phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật.

Đề xuất không công khai sai phạm của nhà giáo có phù hợp?- Ảnh 1.

Một tiết học của cô trò tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ.

TS. Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, mọi người đều được pháp luật bảo vệ về danh dự nhân phẩm, uy tín, được bảo vệ về quyền nhân thân, quyền hình ảnh và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân. Khi giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tố giác tội phạm, cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải bí mật thông tin và tuân thủ nguyên tắc bảo mật thông tin của người tố giác, người bị tố giác. Khi chưa có kết quả giải quyết cuối cùng thì chưa có căn cứ để xác định bên nào đúng bên nào sai.

Nếu không có quy định cụ thể, nhiều người lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị để đưa lên mạng xã hội hoặc công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng những thông tin hình ảnh của người khác, rõ ràng sẽ rất ảnh hưởng đến đời sống tâm lý, sức khỏe, ảnh hưởng đến uy tín của những người có liên quan.

Theo TS. Đặng Văn Cường, thời gian qua không ít vụ việc hình ảnh, thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng của cơ sở giáo dục, của giáo viên được tùy tiện đăng tải lên mạng xã hội với nội dung bình luận thiếu tích cực, thậm chí ác ý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của giáo viên. Việc thông tin chưa đầy đủ tạo ra dư luận xã hội thiếu tích cực cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình giải quyết vụ việc, đặc biệt là tác động tiêu cực đến tâm lý của người trong cuộc.

"Giáo viên là nghề cao quý, là nghề được cả xã hội tôn trọng. Việc giáo viên vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật là những trường hợp cá biệt, không vì một vài trường hợp mà làm ảnh hưởng đến uy tín cả một ngành, một lĩnh vực. Bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của giáo viên là bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của người thầy, là phù hợp với truyền thống tôn sư, trọng đạo của người Việt Nam. Khi người thầy không được bảo vệ thì vấn đề đạo đức xã hội sẽ bị xem nhẹ, khó mà có được tôn ti, tự trật tự, văn hóa và ổn định xã hội", ông Cường cho biết.

Rút đề xuất miễn học phí cho con giáo viênRút đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

SKĐS - Theo dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất, Bộ GD&ĐT đã rút đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của giáo viên.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn