Hà Nội

"Đừng để các cơ sở y tế sợ không dám mua sắm trang thiết bị"

25-05-2022 11:48 | Thời sự
google news

SKĐS - ĐBQH Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Sau thời gian chống dịch, chúng ta tôn vinh lực lượng y tế như những người hùng. Nhưng gần đây thì tiến hành thanh, kiểm tra việc mua sắm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế".

Sớm trình dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, đảm bảo quyền lợi người tham giaSớm trình dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, đảm bảo quyền lợi người tham gia

SKĐS - ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) kiến nghị với các cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật BHYT sửa đổi theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023.

Sự quyết liệt, đồng bộ trong thực thi chính sách sau COVID-19

Sáng 25/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022…

Thảo luận tại tổ, ĐBQH Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thương mại dịch vụ của thành phố đến tháng 5 đã dương được 0,6% trong khi quý I/2022 âm 1,7% và trước đó âm tới 4,8%. Du lịch của thành phố cũng phục hồi sau ngày 15/3, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hàng không. Ngành lưu trú tăng hơn 2%, lữ hành tăng trên 8%.... 

Chỉ ra những con số này để thấy, thành phố đang phục hồi rất tốt, nhờ vào các chính sách, giải pháp đồng bộ. Bởi nếu mở cửa chậm hơn 1 tháng, không điều chỉnh chính sách phòng, chống dịch thì điều gì sẽ xảy ra?

Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh nêu lên tâm tư tha thiết của cử tri ngành y sau khi chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

ĐBQH Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

"Điều này cho thấy sự quyết liệt, đồng bộ trong thực thi các chính sách sau COVID-19", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra một số tồn tại. Điển hình là khu vực bất động sản còn âm 12,6%. Ông lưu ý, có chuyện đà phục hồi chậm sau dịch do có tác động mới từ các tháng đầu năm khi siết tín dụng vào bất động sản. 

"Có hay không chuyện đập con chuột mà không bể bình hay bể bình rồi?", ông đặt vấn đề và đề nghị có các giải pháp siết cho đúng để tránh ảnh hưởng tới các dự án bất động sản cần triển khai, tạo công ăn việc làm, an cư cho nhiều gia đình. Muốn vậy, cần lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Các giải pháp để lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản phải hết sức căn cơ, bài bản không sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp tuy có phục hồi nhưng đang chịu tác động lớn về các thủ tục hành chính, về nguồn cung lao động, giá cả tăng… nên cần phải tập trung, nhận diện, tháo gỡ, hỗ trợ và đặc biệt triển khai chương trình phục hồi kinh tế phải đồng bộ hơn.

Đừng để các cơ sở y tế sợ không dám mua sắm trang thiết bị y tế

Cũng tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nói lên tâm tư tha thiết của cử tri, đặc biệt là cử tri ngành y tế của thành phố sau thời gian chống dịch COVID-19.

Ông cho biết: "Trong thời gian vừa qua, sau chống dịch chúng ta ghi nhận, tôn vinh lực lượng y tế như những người hùng. Nhưng sau đó, những tháng gần đây thì chúng ta tiến hành thanh tra, kiểm tra việc mua sắm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế".

Bây giờ truyền thông, xã hội đang có xu hướng rằng: Bất kể việc mua sắm gì cũng có chủ ý sai phạm. Dẫn đến hình ảnh thiếu uy tín của ngành rằng: Sau khi là người hùng chống dịch thì bây giờ như những người sẵn sàng vi phạm vì lợi ích
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi

Chính những điều trên, ông Phan Văn Mãi cho biết: "Chúng tôi trân trọng báo cáo với Chủ tịch nước để lãnh đạo, định hướng như thế nào để chúng ta phát hiện được, xử lý được những trường hợp vi phạm, nhưng phải làm như thế nào để đảm bảo được uy tín của ngành. Làm sao đừng để cho các cơ sở y tế sợ không dám mua, để bây giờ thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc".

Người đứng đầu TP. Hồ Chí Minh cho rằng đây là việc cấp bách, cần phải có chuyên đề để trao đổi, có giải pháp tức thì.

"Ngày hôm qua, tôi đã nói lại với Sở Y tế rằng: Làm sao ngồi bàn lại để tính, đề xuất làm sao có thể mua thuốc, để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thành phố hàng ngày", ông Phan Văn Mãi tâm tư.

Từ thực tế trên, vị Đại biểu Quốc hội mong Chính phủ, Quốc hội trong thời gian sắp tới sẽ tập trung hơn nữa, đẩy nhanh các gói phục hồi kinh tế, đi vào cuộc sống để phát huy tác dụng. Tiếp theo đó là các Bộ ngành Trung ương, tháo gỡ hơn nữa các khó khăn vướng mắc của các địa phương, các doanh nghiệp để làm sao cho doanh nghiệp thực sự phục hồi.


Lê Bảo - Cao Tuân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn