Đua theo trào lưu tự “lột da” trị nám, chị em khổ sở vì sẹo lồi lõm, nhiễm khuẩn

Ths.BS Phương Quỳnh Hoa

Ths.BS Phương Quỳnh Hoa

Phó trưởng Khoa lazer và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương

10-07-2019 06:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Các bác sĩ cho biết hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân rối loạn sắc tố da sau khi tự bôi thuốc để chữa sạm da, nám da. Bên cạnh đó, mạng xã hội hiện đang quảng cáo rầm rộ phương pháp "lột da mặt một lần là nám bay luôn" khiến nhiều người tin theo, trong khi bác sĩ khẳng định, điều này là vô lý.

Nguy hại làm đẹp theo trào lưu

TS.BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo, hiện nay tỉ lệ bệnh nhân nám má đơn thuần có tăng nhưng không nhiều, tuy nhiên các rối loạn sắc tố khác hay còn gọi là sạm da, thì tăng rất nhiều.

Hầu như ngày nào các bác sĩ cũng tiếp nhận các trường hợp rối loạn sắc tố da diễn biến nặng sau khi bệnh nhân đã tự ý dùng thuốc, tự chế thuốc theo lời truyền, đồn thổi (chẳng hạn như: cao trầu không) để chữa sạm da, nám da. Việc điều trị cho các trường hợp như vậy rất khó khăn, làn da khó hồi phục, trong khi nếu là nám, sạm da thông thường, bệnh nhân phối hợp điều trị với bác sĩ thì sẽ giải quyết có kết quả rất tốt.

ThS.BS Phương Quỳnh Hoa - Phó trưởng Khoa laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng cho biết, trong quá trình điều trị hàng ngày, bác sĩ Hoa từng gặp rất nhiều chị em đến viện "cầu cứu", dù chưa nhìn thấy sạm da của họ đâu nhưng đã có những người sưng chân tay, mắt không nhìn thấy gì do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

"Bệnh nhân lo lắng, hoảng hốt khi thấy trên da xuất hiện các vết sắc tố lạ nhưng không đi khám mà tự bôi, tự chữa, kết quả là để lại các vết sẹo lồi, lõm, giãn mạch, nám da tăng đậm... Nguy hiểm hơn có thể ảnh hưởng toàn bộ cơ thể như nhiễm khuẩn, nhiều trường hợp nhiễm khuẩn sau lăn kim chúng tôi cũng thường gặp" - ThS. Hoa cho hay.

ThS.BS Phương Quỳnh Hoa.

Chưa dừng lại ở đó, hiện nay mạng xã hội và các cơ sở làm đẹp đang quảng cáo thổi phồng công dụng của phương pháp lột da bằng hóa chất "lột da mặt một lần là nám bay luôn", trong khi thực tế điều này là hoàn toàn không đúng. Nói về phương pháp lột da bằng hóa chất (hay còn gọi là peel da), TS. Hà cho rằng, theo lý thuyết thì đây là phương pháp được ưu tiên lựa chọn số 2 sau thuốc bôi; laser là lựa chọn số 3. Còn theo các nghiên cứu mới thì cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết tình trạng nám, sạm da.

“Lột da bằng hóa chất là biện pháp khá hiệu quả trong trị nám nhưng cần thực hiện ở các cơ sở chuyên khoa da liễu uy tín chứ không thể có công dụng thần thánh như quảng cáo "lột da mặt một lần là nám đi theo luôn" được. Vì như thế đó là lột sâu và lột sâu thì chắc chắn để lại sẹo”- TS. Hà cảnh báo.

Chuyên gia da liễu cho rằng, lột da bằng hóa chất thường dùng các hóa chất là axit làm cho lớp thượng bì bị nhiễm sắc tố bóc ra, nhưng điều này phải từ từ, thường phải sau 3 lần làm da mới sáng ra một chút chứ không thể có hiệu quả ngay lập tức. Thứ 2 là chính các axit đó ức chế để không sản sinh ra sắc tố nữa. Quá trình làm bong tróc như vậy cũng giúp kích thích da trẻ hóa da, tăng cường sức khỏe cho da nhanh hơn, bóng hơn, giữ nước nhiều hơn. Song cần chú ý là việc này phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu, nếu không sẽ gây tai biến ngay tức thì – TS. Hà nói.

Thực hiện chăm sóc da tại BV Da liễu Trung ương.

Trị nám, sạm da - cách nào?

ThS.BS Phương Quỳnh Hoa cho biết, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị nám da, và được áp dụng đa liệu pháp từ nội khoa, can thiệp hay laser, hóa chất...

Để biết được một người đang bị nám da ở giai đoạn này thì không thể xác định được bằng mắt thường mà phải có máy móc, thiết bị hiện đại để phân tích nám ở vị trí thượng bì, hay ở vị trí nào khác… Do đó, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám và chẩn đoán xác định, không nên tự chữa.

Với phụ nữ mang thai hoặc vừa sinh đẻ xong cũng không nên quá lo lắng đến vấn đề trị nám ngay. Bởi lẽ theo các bác sĩ, đa số các trường hợp sau khi sinh xong thì tình trạng nám cũng giảm đi (do liên quan vấn đề nội tiết), thậm chí có thể trở lại như da thời kỳ chưa bị nám mà không cần phải điều trị.

Còn với trường hợp mà sau khi sinh, tình trạng nám không giảm thì chị em nên đến các cơ sở uy tín để khám và điều trị. Tuy nhiên cũng không cần quá nóng vội, bác sĩ tư vấn, phụ nữ đang cho con bú chưa nên nghĩ đến việc điều trị nám vì dùng thuốc bôi, thuốc uống sẽ thải trừ qua đường sữa mẹ, ảnh hưởng đến con. Chị em cần hết sức thận trọng.

Xem thêmBác sĩ Da liễu bật mí cách để da không bị nám, sạm trong hè nắng gắt


Dương Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn