Đợt hạn mặn ĐBSCL đã giảm hậu quả nhiều lần nhờ những mô hình ứng phó thông minh

16-12-2021 19:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhằm thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), chiều 16/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức lễ phát động cuộc thi "Đề xuất mô hình ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai".

Cơ hội đóng góp cho quốc gia những ý tưởng, sáng kiến

Chiều 16/12, tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động cuộc thi "Đề xuất mô hình ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai".

Phát biểu tại lễ phát động, TS Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – cho biết: "Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cùng các cơ quan nghiên cứu và quản lý tổ chức cuộc thi này. BĐKH đã trở thành thách thức của nhân loại trên toàn cầu, đòi hỏi thế giới chung tay hành động tích cực trước khi quá muộn. Tại Hội nghị về BĐKH vừa qua tại Vương quốc Anh (COP26) với 46.000 người tham dự và 124 nguyên thủ quốc gia, đã cam kết hành động rất mạnh mẽ".

BĐKH gây tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội của từng người dân đến mỗi quốc gia. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH như bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở đất gây trở ngại cho phát triển kinh tế xã hội. Gần đây thiên tai ngày càng gây nhiều thiệt hại nặng nề hơn và trở thành mối đe doạ trong tương lai không xa.

Đợt hạn mặn ĐBSCL đã giảm hậu quả nhiều lần nhờ những mô hình ứng phó thông minh - Ảnh 1.

TS Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại lễ phát động cuộc thi

Trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, giải pháp kinh tế nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại từ BĐKH, rủi ro thiên tai.

"Ở nhiều vùng miền tại Việt Nam, đợt hạn mặn ĐBSCL đã giảm đi tới 10 lần nhờ những mô hình ứng phó thông minh. Bởi vậy, cuộc thi này nhằm mục đích tìm kiếm thêm nhiều ý tưởng, mô hình, sáng kiến thông minh, hiệu quả để giảm thiểu rủi ro, phát triển kinh tế đất nước" – ông Cường nhấn mạnh.

Tại lễ phát động, GS.TS Khoa học Trương Quang Học - chuyên gia đã gắn bó hàng chục năm với môi trường nhấn mạnh: "Đã hàng chục năm nay thế giới kêu gọi giảm phát thải khí nhà kính nhưng lượng khí này vẫn gia tăng đến nay đã ở mức báo động. Hội nghị về BĐKH thế giới (COP26) vừa qua là cơ hội vàng để thế giới chung tay ứng phó với BĐKH. Đây đồng thời đem lại nhiều cơ hội để chúng ta thay đổi mạnh mẽ, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức để có thể đạt những mục tiêu đặt ra".

GS.TS Trương Quang Học cho biết thêm, cuộc thi này cũng là cơ hội để từng người dân, nhiều tổ chức có thể tham gia đóng góp cho quốc gia những ý tưởng, sáng kiến của mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Thực tế đi hoạt động của ông cho thấy, nhiều mô hình về sinh kế nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã hoạt động rất có ý nghĩa. Bởi vậy, làm sao để người dân nâng cao nhận thức, xây dựng được những mô hình lớn, nhân rộng kết hợp với điều kiện địa phương thì sẽ vô cùng hiệu quả.

 44 giải thưởng với tổng giá trị 101 triệu đồng

Được biết, cuộc thi "Đề xuất mô hình ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai" lần này sẽ kéo dài hạn nhận tác phẩm từ nay đến hết tháng 6/2022.

Thông điệp tác phẩm dự thi được thể hiện thông qua những nội dung chính sau đây: Các bài viết có ý tưởng, sáng kiến; các bản vẽ tay, vẽ trên nền tảng công nghệ; các mô hình được thiết kế, lắp ráp ... thể hiện được công trình thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu/giảm nhẹ phát thải khí nhà kính/giảm nhẹ các rủi ro và tác động của thiên tai. Tác phẩm dự thi được triển khai trong các ngành, lĩnh vực, đời sống xã hội phản ánh sự chung sức, cùng hành động của cộng đồng đối với ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta. Tác phẩm dự thi đã được ứng dụng trong thực tế hoặc hướng mở, phát triển trong tương lai.

Nội dung, chủ đề của tác phẩm hướng đến việc tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến, mô hình, giải pháp hoặc công trình, phi công trình có hiệu quả thực tiễn hoặc triển vọng về các hoạt động liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai như: xây dựng; nông nghiệp; sinh kế; phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên; giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông...

Hình thức tham dự bao gồm: Tác phẩm viết (Các hồ sơ, tài liệu viết được thể hiện trên chất liệu giấy in); Tác phẩm vẽ, gồm vẽ tay trên nền giấy và vẽ trên nền tảng công nghệ. Vẽ trên giấy sử dụng màu bột gouach, màu poster, màu acrylic, khổ giấy vẽ (kích thước các cạnh nhỏ nhất là 210 x 297mm, lớn nhất là 420 x 594mm). Vẽ nền tảng công nghệ được tạo dựng từ chương trình/ứng dụng đồ họa trên máy tính hoặc điện thoại di động và các nền tảng công nghệ phù hợp. Tác phẩm vẽ không quá 15 hạng mục/tác phẩm, có bản thuyết minh kèm theo; Tác phẩm dạng Mô hình mô phỏng (Được thể hiện thông qua dàn dựng, thiết kế, lắp ráp, trình diễn, diễn giải, mô phỏng. Thể tích, khối lượng mô hình đảm bảo việc vận chuyển, di chuyển và trưng bày, có bản thuyết minh kèm theo).

Về Giải thưởng: Tổng số có 44 giải với tổng giá trị giải thưởng là 101 triệu đồng. Các Tổ chức, cá nhân tìm hiểu hướng dẫn chi tiết trên trang thông tin điện tử của Cục Biến đổi khí hậu (www.dcc.gov.vn).

Trưa 14/12: F0 tăng quá nhanh, Hà Nội khẩn trương lên kịch bản 3000 ca/ngày | SKĐS


Minh Thu
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn