COP26: Đồng lòng giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu

02-11-2021 15:28 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 2/11 (theo giờ Việt Nam), gần 120 nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại Glasgow, Anh để cùng nhau giải quyết vấn đề mà các nhà khoa học và chuyên gia y tế cho là cuộc khủng hoảng lớn nhất thế giới: biến đổi khí hậu.

COP26: Đồng lòng giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Một đại biểu đi ngang qua áp phích của Hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland, Anh ngày 2/11

Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra từ ngày 1- 13/11, được kỳ vọng đoàn kết thế giới trong nỗ lực thực hiện cam kết khống chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị ghi nhận hàng loạt điểm nổi bật, những cam kết hành động chung đối phó với khủng hoảng khí hậu, ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cùng suy thoái đất….

Mỹ xin lỗi, Anh gây sức ép

Trong khuôn khổ hội nghị COP26, ngày 2/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xin lỗi các nhà lãnh đạo thế giới về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

"Tôi nghĩ mình không cần xin lỗi, nhưng tôi xin lỗi vì thực tế rằng Mỹ - dười thời chính quyền trước - đã rút khỏi Hiệp định Paris". Ông Biden đã ký lại thỏa thuận này chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1/2021.

"Chúng tôi sẽ chứng minh cho thế giới thấy rằng Mỹ  không chỉ quay lại bàn đàm phán về biến đổi khí hậu mà còn có thể trở thành tấm gương tốt. Chúng ta cần chứng tỏ rằng cam kết về khí hậu của chúng ta là về hành động, chứ không phải lời nói " - Tổng thống Biden phát biểu.

Vương quốc Anh đã cố gắng để gây sức ép với các nhà lãnh đạo thế giới rằng bây giờ là lúc phải hành động về vấn đề khí hậu.

Ngày 2/11, Nữ hoàng Anh Elizabeth II lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau hợp tác đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu để giải quyết những "chướng ngại vật" vốn khó có thể vượt qua. "Tình hình sẽ xấu đi nếu tình trạng ô nhiễm trên thế giới không được quan tâm ngay tại thời điểm hiện nay. Nếu các nước không đương đầu với thách thức này, mọi vấn đề khác sẽ trở nên vô nghĩa. Không ai trong chúng ta đánh giá thấp những thách thức phía trước: nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng khi các quốc gia xích lại gần nhau vì mục tiêu chung, thì luôn có chỗ cho hy vọng" - Nữ hoàng Elizabeth II cảnh báo trong thông điệp được phát qua video tại Hội nghị.

Thủ tướng Anh Boris Johnson miêu tả với lãnh đạo các nước rằng: "Ngày tận thế là có thật, và đồng hồ đang tích tắc theo nhịp điên cuồng của hàng trăm tỷ tua-bin và hệ thống ... bao phủ Trái đất trong một lớp chăn ngạt thở của khí CO2".

Cam kết "net-zero" và ngăn chặn phá rừng

Trong ngày làm việc đầu tiên của COP26, các lãnh đạo đại diện cho các quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng trên thế giới đã thông qua kế hoạch đẩy lùi nạn phá rừng.

Theo đó, 12 quốc gia đã cam kết đóng góp 12 tỷ USD quỹ công trong giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm những nỗ lực khôi phục đất đai bị suy thoái và ứng phó với cháy rừng. 

Theo tuyên bố của chính phủ Anh, các quốc gia tham gia kế hoạch trên gồm có Canada, Nga, Brazil, Colombia, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo…. Đây đều là những nước có diện tích rừng rộng lớn, trong đó Brazil nhận nhiều chỉ trích trong những năm gần đây vì gây tổn hại tới rừng Amazon. Đánh giá về kế hoạch này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết: "Chúng ta sẽ có cơ hội chấm dứt lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, thay vào đó trở thành người trông coi và chăm sóc thiên nhiên".

Theo thống kê của chương trình theo dõi nạn phá rừng Global Forest Watch, thế giới đã mất 258.000 km2 rừng trong năm 2020.

Kế hoạch trên được coi là bước đột phá sau nhiều năm đàm phán về cách thức bảo vệ rừng. Nhiều kế hoạch khác nhau trước đó cũng đưa ra với nỗ lực và hạn chế nạn phá rừng nhưng thường vấp phải sự phản đối gay gắt.

Cùng ngày 2/11, Ấn Độ gây chú ý tại COP26 khi Thủ tướng nước này Narendra Modi cam kết thực hiện mục tiêu phát thải "net-zero", đưa Ấn Độ trở thành nước trung hoà carbon vào năm 2070.

Với mục tiêu "net-zero", Ấn Độ sẽ thực hiện kiểm soát lượng CO2 (hoặc các loại khí gây hiệu ứng nhà kính) thải vào bầu khí quyển không nhiều hơn lượng CO2 được loại bỏ qua các biện pháp như trồng cây, công nghệ xanh. 

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


Hà Anh (Theo CNN)
Ý kiến của bạn