Số ca bệnh nhân nặng ở Đồng Nai tăng và nguy cơ tử vong vẫn còn, hiện có 43 ca bệnh diễn tiến nguy kịch như: suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), suy đa tạng, sốc nhiễm trùng,…). 108 ca bệnh có viêm phổi nặng.
Bệnh nhân nặng nhiều
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, số bệnh nhân tử vong dự kiến sẽ còn tăng trong những ngày tới.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, ngoài Bệnh viện Phổi Đồng Nai, Bệnh viện Da liễu, tỉnh này đã đưa vào sử dụng đến 9 bệnh viện dã chiến để điều trị người nhiễm COVID-19.
Ngoài ra, có 3 cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng với quy mô 140 giường bệnh tại BVĐK Thống Nhất, BVĐK tỉnh Đồng Nai và BVĐK khu vực Long Khánh.
Riêng BVĐK khu vực Long Thành đang gấp rút triển khai bổ sung trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất cần thiết để chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 với quy mô 300 giường bệnh. Trong đó có 200 giường hồi sức tích cực, điều trj bệnh nhân nặng.
Nhằm đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Trung tâm hồi sức tích cực trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương đặt tại BVĐK Thống Nhất với quy mô 500 giường bệnh.
Đây là tuyến cuối trong tháp điều trị "3 tầng" bệnh nhân COVID-19 tại Đồng Nai, có chức năng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng của các địa phương khác khi được phân công.
Giám đốc BVĐK Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, bệnh viện đang khẩn trương cải tạo một số tầng của khu 10 tầng đang xây, lắp đặt hệ thống oxy trung tâm, camera để sớm đưa vào sử dụng khu hồi sức tích cực này.
Clip nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại BVĐK Thống Nhất, Đồng Nai
Về nhân lực, trang thiết bị, Bộ Y tế đã điều động 11 y, bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện K và các trang thiết bị máy móc như máy thở, máy monitor, bơm tiêm điện vào Đồng Nai.
Ngoài khu hồi sức 500 giường này, bệnh viện đang vận hành khu hồi sức tích cực 70 giường bệnh với sự hỗ trợ của 15 thầy thuốc BV Bạch Mai.
Tiếp sức cho Đồng Nai trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng từ ngày 12-7 đến nay, TS. Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai chia sẻ, thầy thuốc BV Bạch Mai vừa khám, chữa bệnh cho bệnh nhân vừa hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, kiểm soát nhiễm khuẩn… cho các bác sĩ của BVĐK Thống Nhất.
Đến nay, BVĐK Thống Nhất đã có hơn 20 cán bộ, bác sĩ biết cách sử dụng thành thạo máy thở và các loại máy phục vụ công tác hồi sức.
Còn tại Khu hồi sức tích cực của BVĐK tỉnh Đồng Nai, đang điều trị 34 bệnh nhân nặng, trong đó có một số bệnh nhân phải lọc máu, thở máy.
BSCKI. Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm - BVĐK tỉnh Đồng Nai cho biết, có tổng số 90 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên, chia thành 3 kíp được huy động để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại đơn vị này.
Các y, bác sĩ vòng trong phải mặc đồ bảo hộ liên tục trong 12 tiếng, liên tục theo dõi, chăm sóc bệnh nhân, phát hiện những bất thường để xử trí kịp thời.
Điều mà các y, bác sĩ lo ngại nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu điều trị. Bởi lẽ với các bệnh nhân nặng, các bác sĩ phải tiếp xúc thường xuyên và thực hiện các kỹ thuật xâm lấn. Do vậy, các y, bác sĩ đều rất thận trọng trong khâu kiểm soát nhiễm khuẩn.
Đồng Nai thiếu nhân lực
Đồng Nai hiện chỉ có 8.000 nhân viên y tế, trong khi số lượng bệnh nhân COVID-19 đã vượt quá con số hơn 6.000 người nhiễm.
Ngoài điều trị cho bệnh nhân COVID-19, ngành y tế còn phải bố trí lực lượng để đảm bảo khám, chữa bệnh cấp cứu và thông thường, không để gián đoạn khám, chữa bệnh cho người dân.
Lực lượng y tế của Đồng Nai đang phải dàn trải nhiều "mặt trận" như điều tra, truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm vaccine…
Trong bối cảnh ca mắc mới chưa có dấu hiệu giảm, nguy cơ lan rộng ra toàn tỉnh, Bộ Y tế đã giao Đồng Nai chuẩn bị, thành lập thêm các bệnh viện dã chiến với quy mô lên tới 10.000 giường nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, TS. Phan Huy Anh Vũ lo lắng, ngành y tế đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, có nguy cơ không đáp ứng được nếu số người nhiễm COVID-19, vượt quá 8.000 người mắc.
Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa, Đồng Nai Nguyễn Xuân Hùng cho hay, từ giữa tháng 6/2021 đến nay, khối lượng công việc của nhân viên y tế trên địa bàn lớn gấp nhiều lần. Trong khi, bệnh nhân nhiễm COVID-19 của TP Biên Hòa chiếm hơn một nửa của toàn tỉnh.
Số ca mắc tăng nhanh từng giờ khiến nhân viên y tế và các lực lượng chức năng liên quan trở tay không kịp.
Có nhiều nhân viên y tế đã xa gia đình cả tháng trời để làm nhiệm vụ, làm việc quần quật suốt ngày đêm, không có thời gian nghỉ ngơi.
Trước tình trạng căng thẳng về nhân lực, Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản đề nghị giám đốc các bệnh viện, phòng khám đa khoa ngoài công lập trên địa bàn hỗ trợ nguồn nhân lực có chuyên môn y tế sẵn sàng tham gia công tác phòng chống COVID-19.
Mỗi bệnh viện được yêu cầu hỗ trợ từ 2-5 bác sĩ, 5-10 điều dưỡng, kĩ thuật viên. Còn với mỗi phòng khám đa khoa tư nhân hỗ trợ từ 1-2 bác sĩ, 2-4 điều dưỡng, kĩ thuật viên… tham gia phòng chống dịch.
Bộ Y tế vừa tiếp tục bổ sung thêm cho Đồng Nai 235 cán bộ, giảng viên và sinh viên y khoa của Trường đại học Điều dưỡng Nam Định. Những tình nguyện viên này được cử về các "điểm nóng" tham gia công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng...
Trong trường hợp cần thiết sẽ tham gia hỗ trợ, thực hiện nhiệm vụ tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung…