Đơn giản hóa thủ tục thẩm định thiết kế PCCC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

05-04-2024 09:13 | Xã hội
google news

SKĐS - Đó là yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2024 khi cho ý kiến về dự án Luật PCCC&CNCH.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024. Tại Nghị quyết trên, Chính phủ cho ý kiến đối với 3 dự án Luật, 1 đề nghị xây dựng luật: Dự án Luật PCCC&CNCH; Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Dự án Luật Địa chất và khoáng sản; Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Có giải pháp, thiết kế PCCC đối với công trình cải tạo

Để hoàn thiện dự án Luật PCCC&CNCH, Chính phủ đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm các yêu cầu tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế giám sát, kiểm tra; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan, chủ đầu tư…

Về phạm vi điều chỉnh của Luật: thống nhất điều chỉnh hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự.

Về yêu cầu có giải pháp, thiết kế PCCC đối với công trình cải tạo: tiếp tục rà soát, phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào mới phải có giải pháp, thiết kế PCCC nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh gây vướng mắc trên thực tế.

Đơn giản hóa thủ tục thẩm định thiết kế PCCC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thẩm tra, thẩm định thiết kế PCCC, nghiệm thu: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, thống nhất quy định này theo hướng đồng bộ với pháp luật về xây dựng; bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện.

Đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện "một cửa liên thông" để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đối với các công trình, cơ sở, phương tiện của quân đội, giao Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý, có cơ chế phối hợp với Bộ Công an.

Bảo đảm minh bạch, hiệu quả, chất lượng quy hoạch

Đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo luật, bảo đảm các yêu cầu: Làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, đánh giá những vướng mắc, bất cập, lập luận thuyết phục sự cần thiết xây dựng luật; làm rõ phạm vi điều chỉnh của luật này và mối quan hệ với các luật có liên quan.

Rà soát toàn diện dự thảo luật, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn và pháp luật hiện hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Đơn giản hóa thủ tục thẩm định thiết kế PCCC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Làm rõ nội hàm chính sách về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, phân loại quy hoạch đô thị và nông thôn; mối quan hệ giữa các loại quy hoạch đô thị và nông thôn trong hệ thống quy hoạch Quốc gia và giữa quy hoạch tổng thể thành phố với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.

Thời hạn lập quy hoạch cần phù hợp với thời kỳ và tầm nhìn quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, không tạo gánh nặng cho ngân sách. Đồng thời nghiên cứu cơ chế để kiểm soát triển khai các nguồn lực, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, chất lượng quy hoạch.

Tránh thất thoát, tiêu cực trong khai thác khoáng sản

Đối với dự án Luật Địa chất và khoáng sản, Chính phủ giao Bộ TNMT nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến thành viên Chính phủ, đồng thời rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo luật, bảo đảm các yêu cầu: Khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm việc khai thác tài nguyên khoáng sản có hiệu quả.

Bên cạnh đó cần thiết kế dự án luật để tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ môi trường. Giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật hiện hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản.

Tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương gắn với nguồn lực thực hiện; đồng thời có cơ chế kiểm soát từ sớm, từ xa của các cơ quan trung ương đối với các dự án thuộc thẩm quyền. Hoàn thiện quy trình cấp phép, đăng ký, bảo đảm minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại Nghị quyết trên, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và mục tiêu của 6 chính sách trong đề nghị xây dựng luật; giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, bảo đảm các yêu cầu.

Thủ tướng: Tránh tiêu cực, tham nhũng, Thủ tướng: Tránh tiêu cực, tham nhũng, 'xin cho' trong xây dựng luật, nghị quyết

SKĐS - Ngày 25/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024 để cho ý kiến vào 3 dự án luật, 1 đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội và 1 đề nghị xây dựng luật.


Lê Bảo
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn