Theo Tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, việc ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng.
Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để đạt được mục đích sửa đổi như đã đặt ra, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Công chứng lần này tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn.
Một là, xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; tiếp tục đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực theo lộ trình phù hợp
Hai là, phát triển đội ngũ công chứng viên theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững
Ba là, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để hỗ trợ cho công chứng viên thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao
Bốn là, xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của công chứng viên, tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động công chứng.
Luật Công chứng được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Nhiều quy định của Luật Công chứng đã đi vào thực tiễn cuộc sống, được Nhân dân đồng tình, đón nhận. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng có bước chuyển biến theo hướng tích cực.
Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tế cho thấy việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, như: việc đào tạo, bồi dưỡng, tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề.
Bên cạnh đó, việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng còn lúng túng, thiếu nhất quán, nhất là sau khi bỏ Quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng; cơ chế tài chính đối với Phòng công chứng tự chủ về tài chính còn nhiều vướng mắc; một số quy định của pháp luật về loại hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở phải được công chứng và về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng còn có quan điểm, cách hiểu khác nhau dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện...
Để khắc phục các vướng mắc, bất cập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hiện pháp luật về công chứng và pháp luật có liên quan trong thời gian tới, cần nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay về tổ chức và hoạt động công chứng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thiếu tướng Đinh Văn Nơi chỉ đạo điều tra vụ nhà xe bị tố bỏ rơi, hành hung giữa đường - SKĐS