Nhiều năm qua, những mâm cỗ gà tạo thế dâng cúng tổ tiên vào dịp rằm tháng 7 đã trở thành thông lệ đối với nhiều gia đình, dòng họ tại huyện Lộc Hà.
Theo chia sẻ của người dân nơi đây, để có được mâm cỗ với những chú gà tạo thế cặp giò thẳng đứng, đôi cánh vươn lên người dân nơi đây phải rất cầu kỳ về thời gian. Để hoàn thành được một con gà thế đứng, quỳ, bay… đáp ứng đúng yêu cầu phải mất khoảng 4 tiếng đồng hồ và không phải ai cũng làm được.
Để tạo được thế gà đứng trên mâm cỗ, ngoài các dụng cụ làm gà thông thường như dao, lưỡi dao cạo, người thợ phải trang bị thêm những chiếc đinh dài, nẹp tre và dây buộc.
Anh Lê Văn Quý, một người con của dòng họ Lê Văn (thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu) cho biết, để có được mâm cỗ đẹp với những chú gà tạo thế đẹp phải trải qua nhiều công đoạn công phu. Trước rằm tháng 7 khoảng vài ba ngày, nếu không tự nuôi được gà thì mỗi hộ gia đình trong dòng họ phải mua những chú gà trống hơn 1 năm tuổi, nặng từ 3-4 kg để làm gà tế.
"Việc chọn mua gà không phải dễ, phải là người thông thạo để nhìn con gà còn sống là biết được khi tạo thế có đẹp hay không. Khâu cắt tiết, vặt lông phải hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến da gà", anh Quý chia sẻ.
Với bàn tay khéo léo, không chỉ gà cúng được tạo hình theo các tư thế mới lạ, con cháu dòng họ còn nghĩ ra những cách bày biện rất độc đáo như gà ngậm hoa, gà đứng trên mình rùa, gà đậu cành đào, cành mai… khiến nhiều người trầm trồ, xuýt xoa.
Theo như người dân lý giải, mỗi thế gà sẽ thể hiện một ý nghĩa khác nhau. Như đối với thế “gà bay” cổ truyền, gà hoá phượng với ý nghĩa nối tiếp thế hệ cha ông đi trước để phát triển xây dựng dòng họ vững mạnh, con cháu đoàn kết yêu thương…
Theo tục lệ những mâm cỗ được bày trong nhà thờ từ sáng đến qua 12h ngày rằm tháng 7 sẽ hạ cỗ.