Đây là lần đầu tiên, sách của một tác giả là doanh nhân Việt Nam được ForbesBooks chọn xuất bản.
“Competing with Giants” là kết quả công trình nghiên cứu suốt 4 năm của doanh nhân Trần Uyên Phương viết chính, sau khi kết thúc chương trình đào tạo lãnh đạo tại Đại học Harvard năm 2012, với sự tham gia của hai đồng tác giả là nhà báo Jackie Horne (người Anh) và chuyên gia kinh tế John Kador (người Mỹ).
"Competing with Giants" vừa là câu chuyện của một công ty ở Việt Nam khởi nghiệp từ trong gian khó của thời kỳ hậu chiến tranh và kinh tế bao cấp, vừa là một nghiên cứu kinh tế về môi trường kinh doanh tại Việt Nam từ khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, về phương thức quản trị doanh nghiệp thời hội nhập toàn cầu, về kinh nghiệm cạnh tranh giữa doanh nghiệp bản địa với các công ty đa quốc gia, về phương châm hành động “Không gì là không thể”, dám ước mơ lớn và hành động mỗi ngày để đạt ước mơ đó.
Cuốn sách “Competing with Giants” (tạm dịch tiếng Việt là “Vượt lên người khổng lồ”)
Với nhiều tình huống cụ thể, “Competing with giants” là những tâm tư, khát vọng, triết lý sống của một nữ doanh nhân châu Á thuộc thế hệ thứ hai. Cuốn sách hấp dẫn độc giả ngay từ những trang đầu tiên với câu chuyện 2,5 tỷ USD. Đó là số tiền mà Trần Uyên Phương, em cô và bố cô, doanh nhân Trần Quí Thanh đã từ chối. Năm 2012, công ty Coca-Cola đã đề nghị đổi số tiền này để lấy cổ phần kiểm soát trong doanh nghiệp của gia đình cô, Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát của Việt Nam.
Thông điệp của Phương là một thông điệp mạnh mẽ. Phương Đông và phương Tây có thể học hỏi lẫn nhau. Các doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình đang phát triển mạnh. Phụ nữ châu Á đang tạo nên dấu ấn. Và khi các công ty nhỏ kết hợp kiến thức bản địa của mình cùng với những ý tưởng kinh doanh quốc tế, họ có thể nắm chắc cơ nghiệp của mình và thậm chí còn vượt trội hơn các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh.
Trần Uyên Phương, Nữ tác giả của cuốn sách "Competing with Giants"
Tại buổi lễ ra mắt, Trần Uyên Phương xúc động kể lại cơ duyên đưa cô tới với “Competing with Giants”. Mọi chuyện bắt đầu khi Phương theo học chương trình giảng dạy đào tạo lãnh đạo tại Đại học Havard năm 2012, dành cho cho chủ doanh nghiệp với yêu cầu sinh viên đã làm chủ doanh nghiệp nhiều năm.
Trong một bài tập tình huống (case study), câu chuyện một doanh nghiệp địa phương như Tân Hiệp Phát mà có thể trụ vững, cạnh tranh và vượt lên các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới thực sự gây ngạc nhiên đối với mọi người. Đại diện nhà trường đề nghị Uyên Phương làm một bài nghiên cứu. Đây cũng là khởi nguồn cô lên ý tưởng viết thành một cuốn sách để nhiều người đọc được hơn”.
Tác giả Trần Uyên Phương nhận lời chúc mừng từ đại diện ForbesBooks.
Có mặt tại buổi lễ ra mắt sách, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp Quốc đánh giá cao nỗ lực của Uyên Phương, doanh nhân Việt Nam đầu tiên tự viết sách được xuất bản bởi ForbesBook. Cuốn sách chia sẻ những kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam, nói câu chuyện về doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên và thành công.
Theo Đại sứ, cuốn sách tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam, dám đứng lên, vươn lên, có tinh thần kinh doanh. Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, với vai trò không thể thiếu của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp kiên cường, thành công như Tân Hiệp Phát sẽ góp phần vào thành công của tiến trình hội nhập đó.
Sự kiện ra mắt cuốn sách là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, giới thiệu với cộng đồng doanh nhân thế giới hình ảnh một nước Việt Nam mới, đang vươn lên mạnh mẽ hội nhập toàn cầu.
Sự kiện này cũng góp phần thiết thực tuyên truyền, quảng bá các cơ hội kinh doanh và hình ảnh Việt Nam tại Mỹ, trong bối cảnh hai nước cùng mong muốn thúc đẩy và củng cố quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Đặc biệt, Cuốn sách “Competing with Giants” được Brian Tracy viết lời tựa - ông là một trong những diễn giả nổi tiếng thế giới và là tác giả của nhiều bộ sách kinh điển về kinh doanh. Trong phần giới thiệu về cuốn sách, Brian Tracy chia sẻ ông bị chú ý thực sự bởi cuốn sách. Cuốn sách cung cấp nhiều hiểu biết quý giá về cách mà doanh nghiệp châu Á, cụ thể là những người sáng lập, suy nghĩ và hành xử, mà qua đó mọi người đều có thể học hỏi.