Điện mặt trời mái nhà vẫn đang để lãng phí
Ngày 10/4, tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng loại điện này có thể được liên kết và bán phần điện dư lên lưới quốc gia với mức giá theo thời điểm. Tức là, người dân, doanh nghiệp có thể được trả tiền khi bán lượng điện dư thừa lên lưới. Ngoài ra, ông cũng đề nghị người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ và được lắp đặt điện mặt trời mái nhà không theo Quy hoạch Điện VIII.
Công suất điện mặt trời mái nhà tới cuối 2022 là khoảng 9.000 MW, giá bán 8,38 cent một kWh theo Quyết định 13/2020. Tuy nhiên, tới cuối tháng 7/2023, còn gần 400 MW nối với lưới điện chờ bổ sung vào quy hoạch. Số dự án này chưa được định đoạt số phận do thiếu cơ chế rõ ràng.
Một số chuyên gia tại hội thảo kiến nghị đơn giản thủ tục để khuyến khích các doanh nghiệp khu công nghiệp làm điện mặt trời mái nhà. Chẳng hạn, các khu, cụm công nghiệp chỉ cần thẩm tra xác định độ an toàn của công trình khi lắp đặt. Cơ quan quản lý đưa ra hồ sơ mẫu, phân cấp cho địa phương và quy định thời gian giải quyết hồ sơ lắp đặt, đầu tư. Theo Quy hoạch điện VIII, điện mặt trời mái nhà dự kiến đạt công suất 2.600 MW vào 2030, để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện.
TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách Khoa Hà Nội phân tích nghịch lý của điện mặt trời hiện nay. Tại TP Hồ Chí Minh, nơi có cường độ bức xạ mặt trời khoảng 4,5 kWh/m2/ngày, một hộ gia đình bình quân tiêu thụ điện 36kWh/ngày, muốn lắp đặt một hệ điện mặt trời áp mái để tạo ra điện năng tương đương với điện năng đã sử dụng. Phép tính cho thấy, hộ này phải lắp đặt hệ điện mặt trời áp mái công suất 8kWp. Điện năng mà hệ thống phát ra trong một ngày là W = 8kWp x 4,5 kWh/m2/ngày = 36kWh (36 số điện, vừa đủ điện năng gia đình dùng trong một ngày).
Sự trớ trêu là ở chỗ, gia đình này hầu như không được sử dụng điện năng "của nhà mình" tạo ra. Bởi vì: Ban sáng nhu cầu sử dụng điện nhiều thì điện mặt trời chưa phát. Ban trưa khi điện mặt trời phát tốt nhất thì không ai ở nhà. Buổi tối về nhà nhu cầu dùng điện rất cao thì hết nắng nên không có điện mặt trời. Trạm điện mặt trời áp mái của gia đình này vô hình trung đã "Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng!"
Thực tế, đầu tư điện mặt trời mái nhà vẫn là một lựa chọn của không ít nhà đầu tư và người dân bởi nhu cầu là có. Các nhà máy mong muốn lắp điện mặt trời mái nhà để tự chủ một phần nguồn điện, thỏa mãn nhu cầu dùng năng lượng sạch để được công nhận "sản xuất xanh". Bộ Công thương từng đề xuất cho phép điện mặt trời mái nhà hòa lưới điện nhưng không được trả tiền, điều này khiến không ít chuyên gia phản đối. Các quy định hiện hành khiến điện mặt trời mái nhà hiện nay đang quá lãng phí. Song việc không được bán điện dư gần như sẽ "khép lại" tất cả cơ hội kể trên, lượng điện dư thừa sẽ bị "đổ bỏ" thay vì có thể mang lại cho họ một lượng tiền nhất định.
Nghiên cứu cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - cho rằng nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà là thực tế, đặc biệt là với doanh nghiệp. Nhu cầu này nhằm đáp ứng, tự chủ một phần nguồn năng lượng, cũng như cung ứng nguồn điện sạch phục vụ cho sản xuất xanh. Do vậy, song song với việc cho phép hòa lưới điện mặt trời mái nhà dư thừa, có thể nghiên cứu cơ chế bù trừ hoặc mua với giá thấp điểm, vừa góp phần tạo ra dòng tiền và tạo động lực cho doanh nghiệp lắp đặt hệ thống. Muốn làm được điều này thì Chính phủ phải có chính sách tháo gỡ đồng bộ.
Chuyên gia cho rằng, các chính sách cần tận dụng và tối ưu hóa nguồn điện này bởi nhu cầu điện có thể tăng mạnh trong thời gian tới. Một số thời điểm nhất định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thể mua phần sản lượng mà doanh nghiệp không dùng hết theo sự điều tiết của cơ quan điện lực và với mức giá thỏa thuận từng thời kỳ. Điều này vừa đảm bảo sự điều tiết hệ thống, vừa tiết giảm chi phí và bổ sung được nguồn điện đáp ứng cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương cho rằng về lâu dài cần có luật năng lượng tái tạo. Đánh giá tổng thể, cả giai đoạn dài phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) thì đến nay có rất nhiều điều đáng bàn. Với những kinh nghiệm và bài học thời gian qua cho thấy, nhà hoạch định chính sách cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra các giải pháp đảm bảo đạt các mục tiêu và cam kết cho NLTT và phát thải, đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cung cấp điện với chi phí hợp lý...
"Theo tôi, để phát triển lâu dài và bền vững cho nguồn điện tái tạo thì những năm tới đây cần có Luật NLTT. Có luật mới thúc đẩy được đầu tư, quyền lợi nhà đầu tư được luật bảo vệ. Còn nếu tình trạng như hiện nay, cơ chế chính sách cho điện tái tạo thay đổi liên tục, lúc rất ưu đãi, lúc lại rất không khuyến khích thì sẽ khiến nhà đầu tư bị động, không tính toán được đường dài. Điều đó cũng sẽ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách phát triển NLTT", TS Ngô Đức Lâm nói.
Luật NLTT này sẽ khác rất nhiều so với Luật Điện lực. Điều này cũng nói rõ, luật cho phát triển NLTT không thể đưa vào quy định chung ở Luật Điện lực, mà cần tách bạch riêng biệt. Đó cũng là kinh nghiệm từ quốc tế. Thời gian tới cần hướng tới thị trường điện, đồng nghĩa với việc giải quyết bài toán truyền tải, do đó, những điểm cần nêu rõ ở Luật này là tư nhân làm sao đi mua đất được, làm truyền tải được. Chẳng hạn, ai giải phóng mặt bằng? Việc xây dựng dự án phải tiến hành ra sao? Quá trình nghiệm thu bàn giao tài sản thế nào…
Sau đó, quy định quá trình vận hành ra sao? Hiện nay vận hành là phần khó khăn nhất trong phát triển NLTT. Tới đây, phải có quy định nhà đầu tư tham gia vào công tác vận hành như thế nào, đảm bảo tỷ lệ huy động ra sao.
Chuyên gia cho rằng, nếu rõ ràng, minh bạch được những vấn đề trên trong Luật NLTT thì nhà đầu tư mới yên tâm bỏ tiền đầu tư. Nhờ đó, chúng ta mới thu hút được tư nhân đầu tư vào phát triển nguồn điện tái tạo khi khả năng tài chính của EVN đang ngày càng cho thấy khó lòng đảm đương được nhiệm vụ này.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 11/4: Miền Bắc sắp đón nắng nóng diện rộng | SKĐS