Dự án nằm trên "đất vàng" chậm tiến độ
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 63 dự án cần rà soát tiến độ. Một số dự án chậm tiến độ trong nhiều năm như dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn huyện A Lưới; dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam; dự án Khu nghỉ dưỡng Làng Xanh Lăng Cô; dự án Nhà máy xi măng Nam Đông.
Điển hình trong số dự án chậm tiến độ có thể kể đến là dự án Bệnh viện chuyên khoa Quốc tế Huế. Dự án được triển khai tại vị trí được ví là khu "đất vàng" của TP Huế (số 2, đường Nguyễn Tri Phương) do Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế làm chủ đầu tư. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Quyết định chủ trương đầu tư lần đầu năm 2017, điều chỉnh lần thứ nhất năm 2018. Diện tích sử dụng đất 2.577,8m2, tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, theo tiến độ cam kết, dự án này phải hoàn thành đưa vào hoạt động ở quý I/2021. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn bị chậm tiến độ. Dự án này hiện đang được UBND tỉnh cho phép gia hạn tiến độ sử dụng đất để tiếp tục thực hiện 24 tháng kể từ ngày 22/11/2021.
Một dự án khác cũng nằm tại vị trí được ví là khu "đất vàng" của TP Huế thi công chậm tiến độ là dự án Tổ hợp toà nhà làm việc (số 4, đường Hà Nội) do Tập đoàn VNPT trúng đấu giá khu đất và ủy quyền Viễn thông Thừa Thiên Huế thực hiện dự án. Dự án này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 27/4/2012 với ổng vốn đầu tư 58,6 tỷ đồng.
Theo Bản cam kết của đơn vị được ủy quyền thực hiện, dự án dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng quý I/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, dự án đã xây dựng cơ bản xong phần thô 7 tầng nổi và 1 tầng hầm nhưng chậm tiến độ đáng kể so với cam kết.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, nguyên nhân chính khiến dự án bị chậm tiến độ là do chệnh lệch khối lượng, hạng mục giữa hợp đồng EC đã ký và thực tế triển khai, cộng thêm việc trượt giá của nguyên vật liệu do dự án kéo dài thời gian thực hiện đã dẫn đến chi phí thực hiện công tác thi công xây dựng giai đoạn 1 của dự án vượt giá trị hợp đồng đã ký. Do đó, trong thời gian qua nhà thầu thi công cầm chừng và nhiều lần có văn bản gửi chủ đầu tư để đề xuất giải quyết liên quan đến việc chênh lệch khối lượng và trượt giá nguyên vât liệu thi công. Qua tổ chức kiểm tra nhà đầu tư cam kết hoàn thành quý IV/2022.
Vì sao nhiều dự án "đắp chiếu", chậm tiến độ?
Trao đổi với PV, ông Phan Quốc Sơn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nguyên nhân dẫn đến các dự án treo, chậm tiến độ là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định của pháp luật liên quan tới công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thay đổi, khung giá đền bù có khoảng cách lớn so với giá cả thị trường, đơn giá đền bù được điều chỉnh hàng năm dẫn tới phải thường xuyên tính toán bổ sung. Việc bố trí kinh phí và nguồn lực cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng đúng nhu cầu.
"Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay làm ảnh hưởng chung đến tiến độ, tình hình triển khai dự án đầu tư, đặc biệt trong việc mua sắm máy móc, thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn vay do suy thoái kinh tế", ông Sơn nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, các nhà đầu tư khi đề xuất dự án đầu tư do chưa nắm rõ quy trình, thủ tục trong quá trình triển khai dự án nên đề xuất tiến độ dự án chưa phù hợp, dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án nhiều lần; một số nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm và năng lực triển khai so với dự án đề xuất.
Ngoài ra, thủ tục đầu tư triển khai dự án nằm ở nhiều văn bản pháp luật liên quan khác nhau và có nhiều thay đổi, điều chỉnh, một số văn bản hướng dẫn Luật, Nghị định ban hành chưa kịp thời hoặc chưa được ban hành nên việc thực hiện chức năng quản lý của nhà nước trong đầu tư còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Người bệnh đái tháo đường có nên ăn xoài?