Hà Nội

Dịch COVID-19: Bác sĩ mở cây “ATM mì tôm và trứng” miễn phí cho người khó khăn

19-04-2020 15:34 | Thời sự
google news

SKĐS - Cùng góp sức chống dịch COVID-19, bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia đã dành kinh phí hàng trăm triệu đồng mở cây "ATM mì và trứng" cho người nghèo, đồng thời chuyển mì và trứng đến tận các bệnh viện nơi có những người bệnh khó khăn đang cần có thêm sự quan tâm, sẻ chia trong đại dịch...

Món quà chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch COVID-19 này do ThS.BS Hoàng Thanh Tuấn- Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia khởi xướng, dành kinh phí thực hiện. Cùng chung sức với anh có thêm các bạn bè và nhà hảo tâm

Bắt đầu thực hiện từ ngày 16-4, đến nay, “cây ATM mì và trứng” ở ngõ 487 Hoàng Quốc Việt của BS Tuấn của nhóm đã trao cho hàng ngàn người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đến nhận.

Mì tôm và trứng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp dành tặng bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn

Bên cạnh đó, BS Tuấn và nhóm còn tổ chức các cây “ATM di động” đến trao hàng ngàn suất mì và trứng cho người có hoàn cảnh khó khăn, người bệnh đang điều trị tại các điểm: Bãi giữa sông Hồng, xóm lao động nghèo 76 An Dương (quận Ba Đình), xóm chạy thận Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp và tiếp theo sẽ là Bệnh viện K,  Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương...

Sáng chủ nhật, hàng trăm người dân xếp hàng, khoảng cách giữa hai người luôn được tình nguyện viên nhắc nhở, đồng thời mỗi người đều được đo nhiệt độ, đi qua buồng khử khuẩn trước khi đến cây “ATM mì và trứng” cố định tại ngõ 487 Hoàng Quốc Việt- Hà Nội để nhận mỳ tôm và trứng miễn phí. Có người 10 gói mỳ, có người nhiều hơn, có người kèm theo trứng... tuỳ theo từng hoàn cảnh của người đến nhận.

ThS.BS Hoàng Thanh Tuấn phát mì tôm và trứng đến tay người dân tại ngõ 487 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cây  " ATM mì và trứng" này sẽ mở từ 8h đến 18h hàng ngày, mỗi người dân đến đây sẽ được phát 10 gói mì tôm, 10 quả trứng.

Người dân đến nhận mì tôm, trứng được rửa tay khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt và lưu lại thông tin để đề phòng trường hợp lây nhiễm virus trong cộng đồng.


Các thành viên phát quà cho người dân cũng được trang bị mặt nạ chống giọt bắn, găng tay, khẩu trang đầy đủ và hướng dẫn người dân đi qua buồng khử khuẩn.


Việc khử khuẩn, giữ khoảng cách an toàn luôn là mục tiêu hàng đầu để đảm bảo an toàn và thực hiện đúng chủ trương và chỉ thị phòng chống dịch bệnh.

Thấy được việc làm ý nghĩa này của BS Tuấn cùng các tình nguyện viên trong nhóm, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay góp sức để mỳ và trứng đến được với nhiều người dân nghèo hơn, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn hơn...

Ban đầu nhóm dự định duy trì cây “ATM mì và trứng” đến hết ngày 22-4 với tổng số quà được phát khoảng 90.000 gói mì tôm và 30.000 quả trứng với tổng trị giá trên 400 triệu đồng. Tuy nhiên, do có thêm các mạnh thường quân đặt vấn đề đồng hành, góp sức cùng nhóm thêm 90.000 gói mì tôm và 20.000 quả trứng nữa. Vậy là số quà tặng đã tăng lên gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu.


BS Tuấn cho hay, nhóm sẽ tiếp tục đóng gói mì, trứng; khảo sát địa bàn, bố trí thời gian để đến trao tận tay người dân nghèo, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời tính toán để có thể kéo dài thời gian hoạt động của “cây ATM” cố định nhằm giúp được nhiều người hơn nữa.

“Trong các ngày triển khai ATM mì tôm cố định và ATM mì tôm di động, chúng tôi thấy thực sự còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, thực sự cần sự giúp đỡ. Điều khiến chúng tôi rất mừng đó là những món quà từ mồ hôi công sức của mình đến được đúng người cần. Nhìn thấy họ nhận được quà rơm rớm nước mắt mà mình cũng thấy thật sung sướng”- BS Tuấn chia sẻ.

Được biết, nhóm BS Hoàng Thanh Tuấn cùng một số nhà hảo tâm còn tham gia ủng hộ khẩu trang, nước rửa tay, quần áo bảo hộ cho những anh chị em tuyến đầu chống dịch.

Dự án cây"ATM mì tôm và trứng" này mong góp chút sức lực vào việc ổn định cuộc sống người dân trong đại dịch.

Trong câu chuyên với chúng tôi, BS Tuấn cho hay, từ khi vào nghề, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh bệnh nhân di chứng bỏng, chứng kiến sự vất vả của họ khi vừa bị giảm, thậm chí mất khả năng lao động, lại còn bị ảnh hưởng về ngoại hình làm mất sự tự tin khi làm việc, nên bản thân bác sĩ luôn đồng cảm và chia sẻ. Cá nhân bác sĩ đã luôn tham gia các chương trình từ thiện khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí của bệnh viện, của hội Thầy thuốc trẻ hay đoàn thanh niên.


Thái Bình - Tuấn Anh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn