Hà Nội: Đưa người lang thang vào cơ sở xã hội để phòng dịch COVID-19

19-04-2020 08:43 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhằm hỗ trợ người lang thang trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 1174/SLĐTBXH-BTXH về việc tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố.

Các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát các trường hợp lang thang xin ăn, bán hàng rong để có phương án trợ giúp phù hợp.

Đối với những người lang thang xin tiền, các đơn vị tổ chức tập trung đối tượng theo Quyết định 6053/QĐ-UBND ngày 29-8-2017 của UBND thành phố về tập trung người lang thang, sau đó kết nối với các địa phương - nơi người lang thang đăng ký hộ khẩu thường trú để đưa họ về nơi cư trú.

Một số trường hợp đặc biệt sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ xã hội I, II và IV, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Trước khi bàn giao về trung tâm bảo trợ xã hội, các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, sàng lọc đối với những người lang thang có biểu hiện nghi ngờ nhiễm COVID-19, liên quan đến các ổ dịch...

Các trẻ lang thang xếp hàng rửa tay trước bữa cơm trưa tại trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) IV Hà Nội

Sau khi nhận bàn giao, Trung tâm Bảo trợ xã hội I, II và IV phải thực hiện cách ly ít nhất 14 ngày với những trường hợp mới tiếp nhận; đồng thời, có phương án phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả cho đối tượng đã sống tại trung tâm.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Công an thành phố tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em đi xin tiền; đồng thời, đề nghị Sở Y tế Hà Nội phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với các trường hợp lang thang trên địa bàn, để tránh lây nhiễm tại cộng đồng.

Để thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, đối với các trường hợp hết thời gian nuôi dưỡng tại Trung tâm theo quy định (3 tháng), các trung tâm bảo trợ xã hội tiếp tục quản lý đối tượng đến khi hết dịch COVID-19 hoặc khi có văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền (trừ các trường hợp đang điều trị tại bệnh viện; bố, mẹ, vợ, chồng con chết; học sinh đang đi học... có xác nhận của cơ quan, đơn vị liên quan). Trường hợp đối tượng có dấu hiệu sốt, ho, đau họng hoặc qua tham vấn phát hiện đối tượng thuộc diện nghi vấn về COVID-19, cần báo ngay cho Trung tâm y tế địa phương để khám, điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp nhận khoảng 600 - 800 lượt người lang thang. Việc làm này thể hiện tinh thần nhân văn của thành phối đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội; góp phần xây dựng hình ảnh thành phố thân thiện, văn minh. Đó cũng là giải pháp trợ giúp cấp bách, kịp thời để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khiến cuộc sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn.


Ý kiến của bạn