Di dời 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm trong khu dân cư

03-05-2024 15:06 | Xã hội
google news

SKĐS – Trước tình trạng 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong đô thị và khu dân cư, gây ra ô nhiễm môi trường, UBND Thanh Hóa đã quyết định di dời tất cả các cơ sở này nhằm giải quyết vấn đề này.

Theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố và số liệu thanh tra, kiểm tra, xác minh, tổng hợp của Sở TN&MT, trong 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư, có 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm phải di dời, 126 cơ sở không gây ô nhiễm môi trường, không thuộc phạm vi di dời.

Các loại hình sản xuất gây nguy cơ ô nhiễm môi trường bao gồm chăn nuôi gia súc, gia cầm (342 cơ sở), chế biến đá xẻ, đá ốp lát (190 cơ sở), chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng (109 cơ sở), thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì (75 cơ sở), sản xuất bún (26 cơ sở), giết mổ gia súc, gia cầm (30 cơ sở), gia công cơ khí (19 cơ sở), sản xuất gạch không nung (14 cơ sở), cùng với các loại hình khác như ươm tơ, dệt nhuộm, chế biến thức ăn chăn nuôi, sửa chữa ô tô, sản xuất bia, kinh doanh than (tổng cộng 21 cơ sở).

Các cơ sở này tập trung ở 18/27 địa phương như: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn; thị xã Nghi Sơn, Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thạch Thành, Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương.

Di dời 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm trong khu dân cư- Ảnh 1.

Thực trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân.

Sau khi tiến hành kiểm tra và xác minh, các cơ quan chức năng của tỉnh đã chỉ ra rằng hầu hết các cơ sở sản xuất hoạt động tự phát trên đất ở của hộ gia đình, trên đất thuộc quy hoạch khu dân cư, đô thị. Mặt bằng sản xuất thường hẹp, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, và thường sử dụng công nghệ lạc hậu, lao động thủ công.

Cùng với đó nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường; không đầu tư đầy đủ công trình xử lý chất thải hoặc công trình còn sơ sài, không đúng tiêu chuẩn, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom, xử lý triệt để thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân xung quanh.

Di dời 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm trong khu dân cư- Ảnh 2.

Đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ di dời 700 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

Theo đó, trong số 700 cơ sở gây ô nhiễm được đề cập trong đề án, có 673 cơ sở không phù hợp với quy hoạch. Trong số này, có 394 cơ sở gây ô nhiễm môi trường không chỉ không phù hợp với quy hoạch mà còn không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường (chiếm 58,54%), và 279 cơ sở không phù hợp với quy hoạch, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường (chiếm 41,45%) thuộc diện phải di dời theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 2024 đến 2025, Thanh Hóa sẽ thực hiện việc kiểm tra và cập nhật thông tin về các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở này sẽ được phân loại theo mức độ ô nhiễm khác nhau. Thông tin và tuyên truyền về vấn đề này sẽ được phổ biến rộng rãi trong cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cũng như đến các hộ gia đình và chủ sở hữu của các cơ sở này.

Các cơ sở gây ô nhiễm sẽ được hướng dẫn để xây dựng các phương án xử lý ô nhiễm, và những phương án này sẽ được đánh giá và phê duyệt thông qua các quy trình thẩm định chuyên môn.

Giai đoạn 2026 - 2027, sẽ di dời toàn bộ, chuyển đổi ngành nghề, dừng hoạt động 110 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường thuộc các phường của đô thị từ loại IV trở lên.

Từ 2028 đến 2030, Thanh Hóa sẽ tiếp tục di dời, chuyển đổi ngành nghề và dừng hoạt động của toàn bộ 565 cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn lại.

Địa điểm tiếp nhận các cơ sở di dời là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung cùng địa bàn, địa bàn lân cận, đảm bảo ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt hoặc các vị trí mới được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương thực hiện dự án.

Dự án hơn 100 tỷ dang dở, gây ô nhiễm môi trườngDự án hơn 100 tỷ dang dở, gây ô nhiễm môi trường

SKĐS - Sau 10 năm được phê duyệt, Dự án Hồ Thành khu vực II ở TP Thanh Hóa đến nay vẫn chưa hoàn thiện, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho khu dân cư.


Ngọc Hưng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn