Đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp

12-10-2023 09:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 12/10, tại Phiên họp thứ 27, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021".

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát cho biết, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển KT-XH với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí, lọc hoá dầu tiếp tục phát triển, hình thành được một số cơ sở lọc hoá dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.

Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm. Đã bước đầu thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.

Đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp - Ảnh 1.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 27 của UBTVQH sáng 12/10.

Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. Theo báo cáo của Chính phủ, kịch bản phát triển bình thường với mức tăng trưởng GDP trung bình, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng được dự báo là 113 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 194 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.

Tuy nhiên, phát triển năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp.

Đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát trình bày Báo cáo.

Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn. Công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, gây bức xúc xã hội.

Đoàn giám sát nhận định, những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Đoàn giám sát kiến nghị UBTVQH ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các VBQPPL khác để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng.

Cụ thể, về thị trường năng lượng, chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị rà soát, đánh giá tính khả thi của các dự án nguồn và lưới điện dự kiến thu hút đầu tư hoặc được cam kết đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2030. Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, phát triển, quản lý hệ thống kho, cảng dự trữ xăng dầu tại khu vực Bắc-Trung-Nam để đáp ứng yêu cầu về dự trữ, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia…

Phó Chủ tịch Quốc hội: Đảo đảm an ninh năng lượng, cân đối nhu cầu xăng dầu trong mọi tình huốngPhó Chủ tịch Quốc hội: Đảo đảm an ninh năng lượng, cân đối nhu cầu xăng dầu trong mọi tình huống

SKĐS - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu tìm giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, cân đối cung, cầu xăng dầu trong mọi tình huống; nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia; công khai, minh bạch, tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông…


Lê Bảo
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn