Bệnh nhân Hồ Thị Thanh M. Sinh năm 1977, đang sống tại TP. Nha Trang. Bệnh nhân cho biết được đặt vòng tránh thai chữ T năm 2008 và không nhớ cơ sở đặt dụng cụ tránh thai cho mình.
Trong quá trình có dụng cụ tử cung (DCTC) trong cơ thể, bệnh nhân cho biết, mọi sinh hoạt bình thường, nên không đi khám.
Bệnh nhân thấy nay đã lớn tuổi, nên đi khám phụ khoa, thì được biết vòng tránh thai bị "đứt dây", các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên nhập viện để rút DCTC do đã hơn 10 năm. Vì vậy bệnh nhân quyết định nhập viện để rút vòng tránh thai.
Hình ảnh X quang của bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, kết quả siêu âm kết luận lòng tử cung có vòng T đúng vị trí, nhưng có biểu hiện dính vào cơ tử cung. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, các loại vòng tránh thai đặt vào tử cung chỉ sử dụng trong 5 năm thì phải thay đổi DCTC khác, mới đảm bảo chất lượng tránh thai và các tai biến do đặt lâu trong tử cung. Vì vậy các bác sĩ đã tiên lượng nếu thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân này dễ có các tai biến như thủng tử cung, chảy máu âm đạo nhiều do rách xước lòng tử cung (do để lâu vòng bám chặt vào cơ tử cung), dẫn đến shock mất máu....
Bệnh nhân được giải thích, động viên và quyết định rút vòng. Ngày 17/5/2019 êkip bác sĩ và hộ sinh đã tiến hành thủ thuật "rút vòng".
Sau thủ thuật bệnh nhân được nghỉ ngơi, theo dõi sát tình trạng chảy máu và choáng. Bệnh nhân hồi phục sức khỏe hoàn toàn và được cho xuất viện.
Qua đây các bác sĩ khuyến cáo, ngay sau khi đặt vòng tránh thai. Nhớ ngày, tháng, năm đặt vòng tránh thai vào tử cung. Sau 5 năm phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa phụ sản để thay vòng tránh thai mới. Cất giữ cẩn thận phiếu đặt vòng vòng tránh thai để theo dõi sát các biến chứng nếu có.
Trong thực tế, các bác sĩ làm sản phụ khoa thường gặp những phụ nữ để vòng trong tử cung rất lâu, sau tuổi mãn kinh, tuổi đã về hưu. Với những chị em để vòng quá lâu mà không đi kiểm tra, bác sĩ Phương Mai khuyến cáo, cần đi khám phụ khoa, làm siêu âm để xem vòng có còn nằm trong tử cung hay không...
Đặt vòng tránh thai là biện pháp ngừa thai chủ động. Thông thường thì việc đặt vòng tránh thai được chỉ định đối với chị em đã có ít nhất 1 con; và phải đặt sau khi người phụ nữ sinh con khoảng 6 tuần. Nhưng với những chị em sau sinh mổ (phẫu thuật bắt con) thì nên đến bác sĩ sản phụ khoa để khám và để bác sĩ tư vấn xem trường hợp của mình có đủ điều kiện đặt vòng tránh thai an toàn hay không. Tuyệt đối không được đặt vòng khi đang mang thai, hoặc nghi ngờ có thai; đang viêm nhiễm ở đường sinh dục; xuất huyết tử cung bất thường chưa rõ nguyên nhân; viêm niêm mạc tử cung sau sanh hay sau phá thai nhiễm trùng trong 3 tháng.
Nếu chị em đang bị viêm nhiễm ở đường sinh dục, hoặc mắc bệnh lý phụ khoa nào đó, thì cần chữa trị cho hết bệnh trước, sau đó mới đặt vòng tránh thai. 3 tháng đầu sau khi đặt vòng, chị em nên đến bác sĩ kiểm tra (lúc sạch kinh) hằng tháng để xem vòng có nằm đúng vị trí hay không, nếu vòng bị lệch sẽ có nguy cơ “dính” bầu. Sau đó kiểm tra mỗi 3 tháng, 6 tháng, để nếu có bất thường thì xử lý kịp thời, tránh những biến chứng do vòng gây ra...