ĐBQH, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức: Dùng từ 'khỏi bệnh' với bệnh nhân tâm thần gây khó cho ngành Y tế

27-05-2025 11:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, hiện Bộ Luật Hình sự đang áp dụng từ "khỏi bệnh" đang gây rất nhiều khó khăn, bất cập cho ngành y tế cũng như các cơ quan tố tụng có liên quan. Từ đó, ông Thức đề xuất thay thế từ "khỏi bệnh" bằng từ "giai đoạn ổn định bệnh".

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, ĐBQH Nguyễn Tri Thức – Đoàn ĐBQH TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm: Trong thực tiễn khi áp dụng Bộ Luật Hình sự 2015 có một số bất cập đối với ngành Y tế. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cũng như mong Quốc hội nghiên cứu bổ sung một số nội dung sau vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự:

Thứ nhất, ở Điều 49 bắt buộc chữa bệnh, tại khoản 1,2,3 đề nghị bỏ cụm từ "giám định pháp y" với lý do Điều 51 Bộ Luật Hình sự đang quy định: người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần; mắc khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc giám định này giao cho giám định pháp y tâm thần thì mới phù hợp và đúng chức năng nên đề nghị bỏ cụm từ "giám định pháp y".

ĐBQH, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức: Dùng từ 'khỏi bệnh' với bệnh nhân tâm thần gây khó cho ngành Y tế- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TPHCM), Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

Theo đại biểu: "Giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau".

Thứ hai, tại khoản 2, khoản 3 của Điều 49 đại biểu đề nghị thay cụm từ "khỏi bệnh" bằng thay bằng cụm từ "giai đoạn ổn định bệnh" với lý do: Người mắc các rối loạn tâm thần thì để điều trị khỏi bệnh tâm thần rất khó, họ chỉ ổn định bệnh trong giai đoạn nhất định và rất dễ tái phát và phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, chủ quan như: bỏ thuốc, môi trường xã hội, áp lực tâm lý… và rất dễ tái phát.

Chính vì vậy, cần thay thế cụm từ "khỏi bệnh" bằng "giai đoạn ổn định bệnh". Hiện Bộ Luật đang áp dụng từ "khỏi bệnh" đang gây rất nhiều khó khăn, bất cập cho ngành y tế cũng như các cơ quan tố tụng có liên quan.

Thứ ba, tại khoản 1, Điều 150 tội "mua bán người" ông Nguyễn Tri Thức đề nghị sửa đổi và diễn đạt lại như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc dùng thủ đoạn khác để thực hiện một trong các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, tiếp nhận, chứa chấp một người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản hoặc tài sản khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức, lấy bộ phận cơ thể hoặc làm mục đích vô nhân đạo khác thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Theo ông Nguyễn Tri Thức: "Việc này diễn đạt lại nhằm đảm bảo thống nhất các quy định về nạn nhân bị mua bán người tại Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024".

Thứ tư, tại Điều 151, tội mua bán người dưới 16 tuổi, đại biểu đề nghị sửa tên thành "tội mua bán người dưới 16 tuổi" thành "tội mua bán người dưới 18 tuổi" để đảm bảo thống nhất với quy định với Luật Phòng, chống mua bán người.

Nóng trên diễn đàn Quốc hội: Có nên xóa án tử liên quan đến tham nhũng, ma túy, thuốc giả? Nóng trên diễn đàn Quốc hội: Có nên xóa án tử liên quan đến tham nhũng, ma túy, thuốc giả?

SKĐS - Chiều 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Việc đề xuất bỏ án tử hình một số tội danh là nội dung được quan tâm nhất.


Lê Bảo - Dương Tú
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn