Chiều 20/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP.HCM bày tỏ băn khoăn về đề xuất bỏ án tử hình đối với 4 tội danh: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và phòng bệnh; Tội tham ô và Tội nhận hối lộ trong lần sửa đổi này.
Đại biểu Phong Lan đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp dữ liệu cho đại biểu Quốc hội về cách các quốc gia vẫn còn sử dụng án tử hình xử lý các tội danh này.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP. HCM.
Về thuốc giả, là một cán bộ công tác trong ngành y, bà Lan khẳng định, đạo đức nghề nghiệp là vô cùng quan trọng. Thực tế, luật hiện hành chưa xử tử hình ai về tội làm thuốc giả. Tuy nhiên, theo đại biểu, án tử hình có tác dụng răn đe. Trước tình trạng hàng giả tràn lan, đặc biệt là thuốc giả ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe, thì phải giữ án tử hình để răn đe và tránh tình trạng "luật trói tay" trong tương lai.
"Một bác sĩ dở có thể gây hại cho một bệnh nhân, nhưng một dược sĩ làm thuốc giả có thể giết hàng loạt người. Việc làm này không khác gì giết người hàng loạt. Và đừng nói là "không biết", khi nhận lợi nhuận, họ đều biết rõ. Hành vi này phải bị trừng trị thích đáng.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị xem xét lại các tội liên quan đến thực phẩm. Mức án cao nhất hiện tại chỉ là tù chung thân, nhưng lại yêu cầu chứng minh thiệt hại. Bà Lan cho rằng, việc chứng minh này rất khó khăn. Nhưng rõ ràng, thực phẩm giả, đặc biệt là thực phẩm chức năng và sữa giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người già, trẻ em và những đối tượng yếu thế.
Đại biểu này còn đề nghị thêm án tử hình với tội làm thực phẩm giả, hiện mức kịch khung mới chỉ chung thân.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, thực phẩm làm giả hàng loạt, đặc biệt vừa qua sữa giả, thực phẩm giả ảnh hưởng người già, trẻ em… , hậu quả rất nặng nề. Trong trường hợp này cần xem xét, cần thêm án tử hình cho những tội như vậy mới đủ răn đe.
"Trước khi phát biểu tôi hỏi ý kiến nhiều người, đồng nghiệp, bác sĩ, dược sĩ, tất cả thống nhất nếu đã làm thuốc giả, những thứ thực phẩm giả để hại nhiều người chết thì không xứng đáng làm người. Chúng tôi không đồng nghiệp với những dạng người như thế, đặc biệt trong bối cảnh này, giữ án tử hình cũng là câu trả lời dứt khoát cho người dân rằng Chính phủ quyết liệt trong việc xử lý các tội danh này, làm sao môi trường xã hội ngày càng tốt đẹp hơn", bà Lan nêu quan điểm.
Cùng góp ý về vấn đề này, đại biểu Tao Văn Giót, Phó bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu, đồng tình với cơ quan soạn thảo khi tăng mạnh mức phạt tiền và phạt tù với các hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Ông Giót cho rằng, hầu hết vụ việc sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, thuốc giả đều là phạm tội có tổ chức, có kế hoạch với phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng. "Đây là loại tội phạm biết hậu quả nhưng vẫn cố ý làm sai, trong khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống người dân. Sản xuất hàng giả không khác gì cố ý giết người", đại biểu Tao Văn Giót nhấn mạnh.
Ông Giót cũng đề nghị xử phạt thật nặng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng. "Người có ảnh hưởng, người nổi tiếng đương nhiên có hiểu biết, thuộc tầng lớp tri thức, không thể trả lời không biết sản phẩm mình quảng cáo kém chất lượng", ông nói.
Xem thêm video được quan tâm:
Quốc Hội Thông Qua Luật Nhà Ở Sửa Đổi, Không Quy Định Thời Hạn Sở Hữu Nhà Chung Cư | SKĐS