Dấu mốc mới trên chặng được gần 10 năm nỗ lực không ngừng trồng, chăm sóc dược liệu

24-12-2023 18:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Được vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt" là dấu mốc quan trọng cho hành trình gần 10 năm nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc trồng, chăm sóc, phát triển các cây dược liệu quý.

Chia sẻ với Sức khỏe và Đời sống cảm xúc sau Lễ Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt vừa được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền phối hợp với Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức đêm 21/12 vừa qua, ông Đặng Quang Trung – Giám đốc HTX Nông nghiệp Cồ Dề Chải (huyện Bắc Hà – Lào Cai) cho biết, bản thân rất vui mừng và xúc động khi được lựa chọn vinh danh.

Dấu mốc mới trên chặng được gần 10 năm nỗ lực không ngừng trồng, chăm sóc dược liệu- Ảnh 1.

Lễ Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt.

Ông Đặng Quang Trung cho hay, trong một thời gian rất dài (gần 10 năm) nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc trồng, chăm sóc, phát triển dược liệu thì tới ngày hôm nay đã được vinh danh, ghi nhận. Đặc biệt, chương trình lại do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức.

"Đây là niềm khích lệ vô cùng to lớn để chúng tôi nỗ lực hơn nữa, mở rộng diện tích trồng cũng như thu hút bà con nông dân tham gia vào HTX. Bởi đây không chỉ là hoạt động có ý nghĩa lớn mà còn là món quà tinh thần thiết thực đối với tất cả người trồng dược liệu", ông Đặng Quang Trung nói.

Dấu mốc mới trên chặng được gần 10 năm nỗ lực không ngừng trồng, chăm sóc dược liệu- Ảnh 2.

Ông Đặng Quang Trung – Giám đốc HTX Nông nghiệp Cồ Dề Chải.

Chia sẻ thêm về định hướng, ông Đặng Quang Trung cho rằng, hiện HTX đang thành công với các loại dược liệu, trong đó có nhiều cây được bảo tồn và phát triển. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục triển khai mở rộng diện tích, đẩy mạnh liên kết với hộ nông dân nhằm tăng sản lượng dược liệu, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chia sẻ thêm về HTX của mình, ông Đặng Quang Trung cho hay, HTX hình hình từ các xã viên là người dân tộc H'Mông, Phù Lá và một số nhà nghiên cứu hoa học có kinh nghiệm về các loài dược liệu, vị thuốc quý. Tất cả đều chung một ước khát khao là bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm, hướng tới sức khỏe của người dân.

Hiện Cồ Dể Chải sở hữu vùng nguyên liệu gần 100ha với nhiều mô hình bảo tồn gen giống và thuần hoá giống dược liệu quý phù hợp với khí hậu của từng vùng trong nhiều khu vực miền núi phía Bắc.

Dấu mốc mới trên chặng được gần 10 năm nỗ lực không ngừng trồng, chăm sóc dược liệu- Ảnh 3.

Hiện HTX có gần 200 hộ nông dân với gần 500 thành viên tham gia sản xuất dược liệu.

HTX có gần 200 hộ nông dân với gần 500 thành viên tham gia sản xuất dược liệu. Mô hình hoạt động là HTX kết hợp với chính quyền địa phương, các hộ nông dân lập nên các tổ nhóm liên kết sản xuất. Trong đó, HTX ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các tổ nhóm. HTX căn cứ vào bảng đăng ký chủng loại dược liệu và diện tích trồng của bà con đã đăng ký theo Hợp đồng để cấp giống, vật tư phân bón, phân công cán bộ hướng dẫn, giám sát kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Sau khi thu hoạch, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm các tổ nhóm sản xuất được.

Trước đây, khi chưa tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, các hộ dân 100% trồng ngô và lúa, thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, thu nhập của các hộ dân tăng từ 50-60%, nhiều hộ gia đình đã xây được nhà mới, mua được xe máy, con cái được học hành đầy đủ. Đặc biệt người phụ nữ dân tộc thiểu số sau khi tham gia liên kế chuỗi, thu nhập ổn định đã dần dần tự tin chủ động hơn trong công việc, bước đầu đã được tham gia vào các quyết định quan trọng trong gia đình và được đàn ông gia đình tôn trọng.

Ngoài ra, tham gia liên kết chuỗi, các hộ dân thường xuyên được đi tập huấn, giao lưu học hỏi nâng cao kiến thức trồng dược liệu cũng như kiến thức xã hội. Một số cá nhân tiêu biểu được đưa về TP. Lào Cai, TP. Hà Nội tham dự các buổi lễ tuyên dương, tham gia các khoá đào tạo nâng cao… Từ các hoạt động đó, trình độ của đại đa số thành viên được nâng cao, nhận thức về các hủ tục tại địa phương có phần thay đổi , thu nhập ổn định đã làm cho đời sống của họ thay đổi ngày một tốt đẹp hơn.

Lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi" do Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức tối 21/12 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Lễ Vinh danh nhằm ghi nhận sự đóng góp của các hộ gia đình, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu; từ đó phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện mục tiêu Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10/2021 Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt: “Tôn vinh ước mơ lớn về một Việt Nam hùng cường” | SKĐS


Lê Bảo - Hồng Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn