Hà Nội

13 HTX trồng, chăm sóc dược liệu xuất sắc được vinh danh

22-12-2023 11:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Tối 21/12, Lễ Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền phối hợp với Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn. Cùng với các doanh nghiệp, hộ cá thể thì 13 hợp tác xã có thành tích xuất sắc cũng được vinh danh tại sự kiện.

13 HTX trồng, chăm sóc dược liệu xuất sắc được vinh danh- Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt. Ảnh: Tuấn Anh - Trần Minh.

Trong những năm qua, từ sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vùng trồng dược liệu cho nền y học cổ truyền; nhiều hợp tác xã (HTX) tiêu biểu đã tham gia liên kết sản xuất sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn. Từ đó dần khẳng định vị thế của mình và góp phần mang đến thị trường nhiều sản phẩm chất lượng từ dược liệu quý, đem lại thu nhập ổn định và một cuộc sống ấm no hơn cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

13 HTX trồng, chăm sóc dược liệu xuất sắc được vinh danh- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao hoa và vinh danh 13 HTX có thành tích xuất sắc trong việc trồng, chăm sóc dược liệu. Ảnh: Tuấn Anh - Trần Minh.

Tại Lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi" diễn ra tối 21/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trao hoa và vinh danh các HTX.

Dưới đây là 13 Hợp tác xã tiêu biểu được vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt:

1/ HTX Thiên An (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn)

HTX Thiên An đã nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm nhằm bảo tồn những bài thuốc quý, góp phần mang những sản phẩm của người Dao gần gũi đến với cộng đồng. Mỗi năm HTX Thiên An có thể cung cấp ra thị trường 150 tấn dược liệu khô, và 50 nghìn sản phẩm thổ cẩm dược liệu các loại, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

2/ HTX Dịch vụ Sản xuất Tổng hợp Nông nghiệp Phước Đại (huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận)

Với phương châm luôn kết nối với người nông dân, mang lại cơ hội và sức khỏe cho cộng đồng, HTX đã phát triển cây dược liệu chuối mồ côi (chuối cô đơn), kết nối với bà con và thu mua trực tiếp từ các hộ sản xuất, giúp bảo tồn và phát triển loại cây dược liệu này.

3/ HTX Nông nghiệp Cồ Dề Chải (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai)

Được hình thành từ các xã viên là người dân tộc H'Mông, Phù Lá và một số nhà nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm về các bài thuốc, vị thuốc quý từ vùng núi cao, HTX sở hữu vùng nguyên liệu gần 100ha với nhiều mô hình bảo tồn gen giống và thuần hóa giống dược liệu quý.

4/ HTX Nông nghiệp Thảo dược Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La)

Với vùng nguyên liệu rộng hơn 50ha trên toàn xã Tô Múa. Hiện tại diện tích này đang được trồng cây dược liệu Đương quy Nhật Bản và Cát cánh. HTX chủ động nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia.

5/ HTX Nông nghiệp Nguyên Bình (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng)

Với diện tích trồng dược liệu hơn 40ha, được trồng với nhiều loài cây dược liệu khác nhau, HTX đã Ký kết hợp đồng cung cấp giống, phân bón và bao tiêu, thu mua toàn bộ sản phẩm được sản xuất của các hộ dân trong tổ nhóm, mang lại cuộc sống ấm no cho các hộ dân trên địa bàn.

13 HTX trồng, chăm sóc dược liệu xuất sắc được vinh danh- Ảnh 3.

Toàn cảnh Lễ Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt.

6/ HTX Cộng đồng Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái)

Là đơn vị thành viên liên kết thuộc mô hình chuỗi liên kết được quy định khi triển khai dự án "Trung tâm giống dược liệu Quý" tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, HTX có 33.7 ha đất trồng cây lâu năm, được sử dụng để trồng các loại dược liệu, đảm bảo công ăn việc làm cho lao động dân tộc thiểu số tại địa phương thông qua việc sản xuất của HTX.

7/ HTX Nông nghiệp Bản địa Thu Ka (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu)

Là hợp tác xã nông nghiệp bản địa với sản phẩm chủ đạo là tinh dầu sả, macca và bảo tồn nhân giống phát triển sâm Lai Châu, HTX phát triển vùng nguyên liệu, kích cầu và bao tiêu giúp người dân gắn bó với rừng nhằm giúp người dân tăng thu nhập, không chặt phá rừng phòng hộ và phát triển bền vững.

8/ HTX Dịch vụ Sản xuất Chế biến Hợp Hòa (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang)

HTX Dịch vụ Sản xuất Chế biến Hợp Hòa ra đời với mục tiêu hỗ trợ bà con trồng Cà gai leo tìm kiếm đầu ra, ổn định sản xuất, phát triển một số cây dược liệu khác, đến nay HTX đã tạo thành vùng dược liệu ổn định, phát triển bền vững tại địa phương. Hiện nay diện tích trồng Cà gai leo của HTX đã phát triển hơn 20ha.

9/ HTX Cộng đồng Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)

Với sứ mệnh bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên bản địa dựa trên nền tảng văn hóa thảo dược và du lịch cộng đồng tại Nam Trà My – Quảng Nam, HTX Cộng đồng Ngọc Linh luôn chủ động cung cấp nguồn cây giống đảm bảo chất lượng, số lượng cho thành viên Hợp tác xã và người dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

10/ HTX Nông nghiệp Đông Trà (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)

Với kinh nghiệm trong việc tổ chức nhân trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ 1 số cây dược liệu, nông sản như đằng sâm, đinh lăng, sâm Ngọc Linh ... HTX Nông nghiệp Đông Trà đã liên kết với người dân, nhất là hộ nghèo cần được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, đầu ra... để hình thành chuỗi sản xuất, liên kết, tiêu thụ sản phẩm bền vững.

11/ HTX Ươm, gieo trồng, chế biến kinh doanh cây dược liệu xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang)

Năm 2015, HTX đã cùng Viện Dược liệu kết hợp, làm đề tài ứng dụng trồng cây Vũ diệp và Tam thất hoang dưới tán rừng thành công. Ngoài ra cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu trồng tại HTX vẫn đang phát triển tốt, hoạt chất tương đương với vùng trồng chính do Viện Dược liệu kiểm nghiệm.

12/ HTX Biên Cương (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)

Hợp tác xã Biên Cương đã cung ứng các sản phẩm chè cổ thụ có chất lượng ra thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn. HTX luôn quan tâm tuyên truyền vai trò của cây chè cổ thụ đối với việc bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế chè cổ thụ mang lại, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

13/ HTX Nông nghiệp - Dược liệu - Dịch vụ thương mại Thịnh Phát (huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Thành lập và đi vào hoạt động tháng 10/2019, HTX Nông nghiệp - Dược liệu - Dịch vụ thương mại Thịnh Phát hiện đang canh tác trên 750ha, thu hoạch hơn 1.500 tấn các loại thảo dược. Hiện nay hợp tác xã có 201 thành viên bao gồm cả thành viên liên kết với 08 dân tộc anh em gồm: Dân tộc Kinh; M'Nông; Tày; Nùng; Mường; Dao; Thái; Hoa.

Lễ Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu ViệtLễ Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt

SKĐS - Lễ Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt chính thức diễn ra vào 20h ngày 21/12/2023. Buổi Lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTC1- Đài truyền hình kỹ thuật số Việt Nam và hệ sinh thái Báo Sức khỏe và Đời sống.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chương trình Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt | SKĐS


Lê Bảo
Ý kiến của bạn