Đau lưng, đau cổ - Khi nào được coi là tình trạng cấp cứu?

09-06-2021 19:36 | Y học 360
google news

SKĐS - Phần lớn những triệu chứng đau lưng, đau cổ đều có thể "tự điều trị" bằng thuốc giảm đau, chườm lạnh. Nhưng cũng có những triệu chứng tiềm ẩn những căn bệnh cột sống nguy kịch, cần phẫu thuật cấp cứu.

Đau lưng, đau cổ có thể là dấu hiệu của những bệnh lý cột sống nguy hiểm.

6 bệnh lý cột sống nguy kịch

Hội chứng đuôi ngựa:

Là một trong những chỉ định can thiệp tối cấp cứu. Trong đó có thể do các nguyên nhân: Thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, u trong ống sống, viêm nhiễm cột sống, chấn thương cột sống hoặc đụng dập tuỷ ngang mức.

Biểu hiện bằng các triệu chứng:

- Đau lưng dữ dội (VAS > 7 điểm)

- Giảm/ mất cảm giác một hoặc cả hai chi dưới

- Giảm/ mất chức năng đại tiểu tiện

- Tê bì vùng yên ngựa (vùng mông tiếp xúc với yên ngựa)

Hội chứng chèn ép tuỷ:

Có thể chèn ép tuỷ cột sống cổ hoặc cột sống ngực.

Biểu hiện triệu chứng:

- Giảm/ mất chức năng đại tiểu tiện

- Mất cơ năng (vận động) vùng cột sống tương ứng

- Tê bì, yếu, liệt tay hoặc chân

- Mất kiểm soát thăng bằng và dáng đi

- Giảm/ mất vận động tinh tế 2 tay

Chèn ép tuỷ là tình trạng vô cùng nghiêm trọng nếu không được can thiệp. Theo thời gian, tình trạng chèn ép sẽ càng nặng thêm, đặc biệt trong bệnh lý chấn thương, đụng dập tuỷ.

Thoát vị đĩa đệm:

Cần làm rõ, đĩa đệm được gọi là thoát vị chèn ép thần kinh chỉ khi bao xơ rách, nhân nhày đĩa đệm dịch chuyển ra phía sau và tiếp xúc với bao thần kinh tương ứng. Thoát vị có thể liên quan đến thoái hoá đĩa đệm, thói quen sinh hoạt hàng ngày, cúi cổ/ lưng lâu ngày, gánh vác nặng, béo phì và sinh hoạt sai tư thế.

Biểu hiện nặng khi có:

- Đau nặng, tê bì tăng dần không đáp ứng với thuốc (4-6 tuần)

- Yếu/ liệt chi thể tương ứng

- Chèn ép đuôi ngựa

Chấn thương/gãy cột sống:

Xảy ra khi thân đốt sống chịu áp lực, gây gãy, vỡ và chèn ép tương ứng. Triệu chứng xuất hiện rầm rộ ngay sau tai nạn, có thể xảy ra ở người hoàn toàn khoẻ mạnh, hoặc những người đã có bệnh lý chèn ép từ trước.

Viêm nhiễm vùng cột sống:

Ở những người bệnh chưa phẫu thuật, viêm nhiễm có thể liên quan đến các thủ thuật can thiệp thiếu quy trình vô khuẩn (tiêm, phong bế, châm cứu… những thủ thuật được tiến hành ở những cơ sở thiếu uy tín). Những viêm nhiễm hay gặp như: nhiễm khuẩn ngoài da, lao... những tổn thương này có thể gây ra:

- Viêm thân đốt sống

- Viêm đĩa đệm

- Áp xe hoặc viêm mủ hoá

Những viêm nhiễm này có nguy cơ tiến triển thành nhiễm khuẩn máu, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Nguy cơ viêm nhiễm có thể nặng hơn ở những người cao tuổi, tiểu đường, béo phì, ung thư, suy dinh dưỡng, lạm dụng corticoid hoặc suy giảm miễn dịch (HIV).

Biểu hiện kèm theo có thể có: Sốt cao rét run, sụt cân, co và căng cơ, hạn chế vận động vùng cột sống cổ hoặc lưng

U, ung thư liên quan đến cột sống:

Ung thư cột sống có thể chèn ép tuỷ sống và gây ra hội chứng chèn ép tuỷ hoặc hội chứng đuôi ngựa (đã nói ở trên) rất nguy hiểm cho người bệnh nếu không được phát hiện, điều trị sớm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đau cột sống có đến hơn 90% là nguyên nhân lành tính, tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn những căn bệnh nguy hiểm. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường cần phải đi khám ngay, để được chẩn đoán chính xác.

Cần phải đi khám ngay, khi cơ thể có các tình trạng dưới đây:

- Mất chức năng đại tiểu tiện

- Mất chức năng vận động cột sống vì đau

- Đau, tê bì, yếu hoặc liệt tay/chân tương ứng

- Mất kiểm soát thăng bằng và dáng đi

- Mất kiểm soát hoạt động tinh tế của tay.


BS. Trần Trung Kiên (Khoa Phẫu thuật Thần kinh cột sống  - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn