Hà Nội

Đấu giá đất nền ven Hà Nội có thực sự hạ nhiệt?

21-11-2024 08:49 | Thị trường
google news

SKĐS - Sau thời gian dài gây "sốt" thị trường bất động sản, các phiên đấu giá đất ven Hà Nội đã ghi nhận xu hướng giảm cả về giá trúng, số lượng nhà đầu tư tham gia và thời gian đấu giá.

Suốt nhiều tháng qua, các phiên đấu giá đất vùng ven Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của người dân khi phân khúc đất nền tăng trưởng "nóng". Các phiên đấu giá này liên tục lập đỉnh về giá trúng khiến nhiều người không khỏi "ngỡ ngàng". Thậm chí, một số địa phương đã phải tạm dừng việc đấu giá để rà soát lại khâu tổ chức, tìm kiếm giải pháp giá kìm hãm giá đất leo thang.

Tuy nhiên, ghi nhận của PV trong tháng 11, các phiên đấu giá đất tại Hà Nội đã giảm bớt "sức nóng" về cả giá trúng và số lượng nhà đầu tư tham gia.

Cụ thể, tại huyện Hoài Đức, nơi từng ghi nhận giá trúng kỷ lục hơn 133 triệu đồng/m2, nay đã giảm xuống 103 - 109 triệu đồng/m2 tại 2 phiên đấu giá trong tháng 11.

Đấu giá đất nền ven Hà Nội có thực sự hạ nhiệt?- Ảnh 1.

Hàng loạt "cò đất" chào bán chênh hàng trăm triệu đồng ngay sau phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai ngày 16/11.

Tương tự tại tại huyện Thanh Oai, nơi từng gây "sốc" với giá trúng 100,5 triệu đồng/m2 (ngày 19/8), hiện cũng giảm xuống 90,3 triệu đồng/m2 (phiên đấu giá ngày 16/11). Hay tại huyện Phúc Thọ, giá trúng đấu giá cao nhất trong tháng 11 cũng chỉ còn 37,6 triệu/m2, trong khi hai tháng trước, một số thửa tại đây lên đến 75 triệu đồng.

Không chỉ có xu hướng giảm về giá trúng, số lượng người quan tâm, tham gia các phiên đấu giá cũng giảm đi nhiều so với vài tháng trước. Theo đó, phiên đấu giá đất ngày 19/8 tại huyện Hoài Đức ghi nhận có tới hơn 500 người tham gia và 1.500 bộ hồ sơ, nhưng tại các phiên đấu giá tháng 11 (ngày 6 và 11/11) chỉ còn hơn 100 người tham gia (giảm hơn 74%).

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại huyện Thanh Oai, không còn khung cảnh chen chúc như tại phiên đấu giá kỷ lục ngày 10/8 khi có tới 1.500 người tham gia và 4.000 bộ hồ sơ, phiên đấu giá ngày 16/11 vừa qua chỉ có khoảng hơn 100 người tham gia với 400 bộ hồ sơ đấu giá (giảm khoảng 90%).

Không thu hút được nhà đầu tư, các phiên đấu giá cũng không còn "cân não". Không còn cảnh người dân xuyên đêm thấp thỏm chờ kết quả đấu giá, diễn ra buổi sáng, các phiên đấu giá cũng ngã ngũ ngay trong chiều cùng ngày.

Chỉ có một điều dường như chưa thay đổi ở các phiên đấu giá đất nền ven Hà Nội, đó là sự xuất hiện của đội ngũ môi giới. "Cò đất" vẫn đều đặn xuất hiện ở các khu vực đấu giá, cập nhật kết quả và chào bán với giá chênh lệch hàng trăm triệu đồng mỗi thửa đất.

Thực tế cho thấy, đi đấu giá đất đã hiện đã trở thành nghề và thường có đội, nhóm cùng thức hiện. Những người này không có nhu cầu ở thực mà tham gia đấu giá với nhu cầu trúng đấu giá để bán chênh. Sâu xa và nguy hiểm hơn là chiêu trò trả giá cao, tạo sốt ảo để đẩy giá đất xung quanh.

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dù các phiên đấu giá giảm bớt về lượng người, hồ sơ tham gia nhưng giá trúng vẫn ở ngưỡng rất cao, một phần vì mục tiêu đẩy giá của nhóm đầu cơ và môi giới.

Cụ thể hơn, mục tiêu của nhóm đầu tư là đẩy tâm lý thị trường cũng như mặt bằng giá lên cao. Bởi nếu mua ở giá thực, họ khó có thể đẩy giá trúng ngang ngửa sản phẩm xây sẵn trong khu đô thị, trong khi đơn giá này chưa gồm chi phí đầu tư xây dựng nhà trên đất.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, những "cò đất" tham gia các phiên đấu giá nhằm tạo ra hiệu ứng tâm lý trên thị trường. "Đối với người dân, vài tỷ đến vài chục tỷ đồng là khoản tiền lớn nhưng với những tay buôn đất thì có thể đó là con số lẻ. Tổng số thửa đất được đem lên "sàn đấu" không vượt quá 500 lô đất, so với tổng số lượng đất với các dự án khu đô thị thì còn quá nhỏ", ông Đính cho hay.

Về ý kiến cho rằng đất nền ven Hà Nội đã hạ nhiệt, ông Đính cho rằng, những đối tượng thao túng giá đất này không ngần ngại dùng các chiêu bài như tung tin giảm giá, dàn xếp đấu giá hoặc thậm chí đặt cọc ảo để thao túng tâm lý người tham gia.

Một khi giá đất đã bị đẩy xuống mức thấp giả tạo, các nhóm này sẽ gom hàng với giá rẻ và chờ cơ hội để đẩy giá lên trở lại khi thị trường khởi sắc. Không những thế, việc "cố tình" không thổi giá trúng đấu giá cũng sẽ giúp thoát lượng hàng tồn nhanh hơn.

Xem thêm video được quan tâm:

Từ vụ ông Vương Tấn Việt dùng bằng giả, ĐBQH băn khoăn ‘còn bao nhiêu tiến sĩ rởm?’ | SKĐS



Minh Ngọc
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn