Sau phiên đấu giá với giá trúng kỷ lục hơn 100 triệu đồng/m2, giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) hiện chỉ giao dịch quanh ngưỡng chưa đến 1/2 mức giá này.
Các thửa đất đấu giá có diện tích 83-157 m2/thửa đất với giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2, thấp hơn 38% so với giá khởi điểm trước phiên đấu giá ngày 10/8 (giá khởi điểm từ 8,6 triệu đồng/m2). Tiền đặt trước của các lô đất là từ 88 triệu đồng đến 166 triệu đồng.
Về hình thức, phương thức đấu giá, việc đấu giá từng thửa đất thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng theo phương thức trả giá lên (tối thiểu 6 vòng). Với hình thức đấu giá này, người tham gia đấu giá cần tối thiểu 31,8 triệu đồng/m2 để có thể trúng 1 lô đất qua các vòng.
Tuy nhiên, sau những phiên đấu giá vừa qua tại các huyện Hoài Đức, Quốc Oai hay quận Hà Đông, nhiều người cho rằng mức giá tại phiên đấu giá ngày mai tại huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục được đẩy lên cao.
Dù phiên đấu giá chưa diễn ra nhưng trên các hội nhóm bất động sản đã xuất hiện các thông tin chào bán, tư vấn tham gia đấu giá. Các lô đất tại khu vực đấu giá (xã Đỗ Động) được giới thiệu có vị trí đẹp, giao thông thuận tiện gần đường Cienco5 và QL21B, hạ tầng đồng bộ cây xanh vỉa hè và có cả khu nhà ở xã hội.
Trao đổi với PV, chị N.H, một môi giới tại khu vực huyện Thanh Oai cho biết, các lô đất đấu giá lần này có vị trí trung tâm, gần tiện ích nên dự kiến sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. "Giá trúng thì khó nói lắm, nhưng ít nhất phải tầm 60 triệu đồng/m2, lô đẹp sẽ cao hơn. Về giá chênh thì phải chờ lúc đấu xong mới biết được". chị H. cho hay.
Theo khảo sát của PV, giá đất tại xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai gần khu vực chuẩn bị đấu giá hiện có mức giá từ 35 - 50 triệu đồng/m2 và đã tăng 63% trong vòng 1 năm qua.
Tại khu vực xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, nơi diễn ra phiên đấu giá gây xôn xao dư luận ngày 10/8 với mức giá trúng đấu giá cao nhất hơn 100 triệu đồng, hiện giá đất rao bán từ 23 - 46 triệu đồng/m2. Trong đó, những lô đất trên 40 triệu đồng/m2 được giới thiệu có vị trí đẹp, ô tô có thể di chuyển vào nhà và gần các khu tiện ích, dân trí cao, hay gần khu đấu giá. Có thể thấy, mức giá "sốc" tại thời điểm đấu giá vào tháng 10 hiện gấp 2 đến 3 lần giá thị trường tại khu vực này.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế) cho rằng, việc bỏ cọc đấu giá đất ở Thanh Oai, cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường, sau khi đẩy mặt bằng giá lên cao gây náo loạn thị trường đất vùng ven Hà Nội thì các nhà đầu tư lại bỏ cọc. "Việc đấu giá cao rồi bỏ cọc vừa qua không thể là chuyện hy hữu mà do do có tính toán từ một nhóm lợi ích. Mục đích thông qua đấu giá để tạo mặt bằng giá mới cao hơn trước và khiến thị trường đất nền khu vực phát sốt. Điều này sẽ có lợi cho nhóm người đang giữ đất trong thời gian trước", ông Thịnh cho hay.
Về phiên đấu giá đất ngày mai (16/11) tại huyện Thanh Oai, ông Thịnh cho rằng, với việc giá khởi điểm vẫn ở mức thấp như hiện nay và cơ quan chức năng chưa có các biện pháp ràng buộc thì các phiên đấu giá ven Hà Nội vẫn sẽ "nóng". "Các nhà đầu tư nên cẩn trọng với các phiên đấu giá đất như trên, cần tham khảo cụ thể giá thị trường để có nhận định đúng về giá trị lô đất, tránh tình trạng "theo đuôi" một số nhà đầu cơ với trò thổi giá dẫn đến mất tiền", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cũng khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân cần đi theo dòng tiền để an toàn, khi có dấu hiệu như giá rao bán tăng phi lý thì các nhà đầu tư này cần phải kiểm tra rõ pháp lý, quy hoạch và đặc biệt cần biết rõ lý do tăng giá để đưa ra thời điểm chốt lời phù hợp chứ không thể đi theo hiệu ứng FOMO được.
Xem thêm video được quan tâm:
Nữ ‘quái xế’ tông cô gái trẻ ở Hà Nội đã bỏ học từ sớm và ham đua xe | SKĐS