Đánh đuổi 'con dịch' ở nơi rừng sâu

25-02-2022 15:43 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Hai năm qua là những ký ức không thể quên đối với đội ngũ y bác sĩ ở Điện Biên khi đối đầu với dịch COVID-19. Họ không quản ngại vác từng bình oxy, từng thùng vaccine, lội bùn, băng suối,... với tinh thần quyết tâm "chiến thắng" đại dịch COVID-19.

Giúp đồng bào dân tộc ít người "đánh đuổi con dịch"

Bác sĩ CKII Hoàng Xuân Chiến, Phó Giám đốc CDC tỉnh Điện Biên, người trực tiếp chỉ huy các chiến dịch phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh không còn nhớ rõ đã băng rừng bao nhiều lần trong 2 năm qua để hỗ trợ người dân các bản vùng sâu trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Với đặc thù địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, được cấu tạo bởi những dãy núi khiến giao giữa các vùng rất khó khăn. Cùng với đó là việc có 19 dân tộc ít người sinh sống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa khiến công tác phòng chống dịch đã khó nay lại càng khó hơn.

Nhớ lại thời gian đầu khi triển khai công tác phòng chống dịch, BS Chiến cho biết, người dân tại các bản vùng sâu chưa có nhận thức về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19. Do đó, ngành ý tế phải thường xuyên vào tận bản, ngoài tập huấn cho cán bộ y tế địa phương thì công tác tuyên truyền cũng quan trọng không kém.

Đánh đuổi 'con dịch' ở nơi 'rừng sâu' - Ảnh 1.

Tiếp nhận bệnh nhân tại trạm Y tế lưu động bản Gia Phú A, xã Na Tông, huyện Điện Biên.

"Trước người dân còn chưa hiểu, chưa quen với dịch bệnh, đến việc thăm khám sức khỏe cũng không để ý nên việc tuyên truyền phòng chống dịch lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, "mưa dầm thấm lâu" rồi đồng bào cũng quen dần với COVID-19 và quen rằng bác sĩ về bản để giúp đồng bào "đánh đuổi con dịch", BS Chiến chia sẻ.

Không giống những tỉnh khác, do giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn nên việc điều trị F0 hay cách ly F1 cũng là một bài toán không hề dễ cho ngành y tế tỉnh ngay từ những ngày đầu chống dịch, đặc biệt với các xã vùng cao giáp biên giới như: Mường Chà, Điện Biên,...

Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã quyết định vận chuyển máy xét nghiệm PCR vào tận các khu vực thôn, bản. Đồng thời, thành lập các trạm y tế lưu động ở các địa bàn để việc phát hiện, điều trị F0 đạt được hiệu quả cao nhất. 

Cùng với đó, khu cách ly tập trung F1 cũng được nghiên cứu để thành lập ở địa điểm thuận tiện giữa các địa bàn. Không những vậy, trang thiết bị vật tư y tế, oxy, vaccine cũng phải vận chuyển lên tận bản, nhưng do đường đi không thể vào tận nơi nên hầu hết đều phải dùng sức người...  bê, vác vào. 

Đánh đuổi 'con dịch' ở nơi rừng sâu - Ảnh 2.

Cán bộ y tế hành quân vào bản Gia Phú A, xã Na Tông, huyện Điện Biên.

"Đó thực sự là những ký ức không thể quên trong khoảng thời gian qua của cả đội ngũ y bác sĩ chúng tôi. Không chỉ giao thông khó khăn, anh em vào địa bàn thiếu nước, lương thực, tắm giặt, điện,... Thường ngày đầu vào sẽ dùng lương khô, mì tôm ăn tạm, sau đó chúng tôi mới nhận được lương thực tiếp tế. Một số bản hiện vẫn chưa có điện, anh em chúng tôi sẽ dựng lều bạt để ngủ, sau đó là lập khu điều trị F0 tại chỗ", BS Chiến cho biết.

Không chỉ làm những công việc chuyên môn, các y bác sĩ tại đây còn làm tất cả mọi việc, từ khuân vác đồ, dựng lều bạt, vật tư để chuẩn bị đón bệnh nhân điều trị. Giờ giấc nghỉ ngơi, ăn uống thất thường, nhiều khi cũng qua loa...., mải lo công việc đến khi nhìn lại ai cũng sút cân trông thấy. 

"Nhiều hôm cũng thương anh em trong đoàn, đi vào được đến nơi mệt quá, có người còn bị ốm không thiết tha ăn uống. Nhân sự hạn chế trong khi dịch diễn biến phức tạp nên  mọi người phải tự mình làm hết các công việc khác ngoài chuyên môn. Cũng may ốm vặt thôi chứ trong suốt quá trình không có ai bị nặng hay nhiễm COVID-19, đoàn ít người lại càng khó hơn", BS Chiến nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.

Đánh đuổi 'con dịch' ở nơi rừng sâu - Ảnh 3.

BSCKII Hoàng Xuân Chiến (áo xanh, giữa) hỗ trợ tư vấn công tác điều trị COVID0-19 tại bản Phú Gia A, xã Na Tông, huyện Điện Biên.

Sợ nhất là bệnh nhân COVID-19 bỏ trốn vì... lên cơn nghiện

Do đặc thù tội phạm ma túy diễn ra mạnh trên địa bàn, tỉnh Điện Biên phải thực hiện phương án điều trị F0 cho những người nghiện ma túy tại các phòng khám đa khoa và các khu vực tập trung riêng biệt.

Đây cũng là những bệnh nhân đặc biệt khi phải điều trị song song, cần sự giúp đỡ của trung tâm cai nghiện cùng hỗ trợ, kết hợp điều trị COVID-19 với cai nghiện. Tuy nhiên, trong lúc điều trị COVID-19 không ít bệnh nhân "lên cơn", bỏ trốn ra ngoài tìm mua ma túy khiến công tác phòng chống dịch càng gặp khó khăn.

BS Chiến cho biết, mỗi lần có bệnh nhân bỏ trốn ai cũng lo lắng, không biết ra ngoài tiếp xúc những ai, rồi sẽ lại thực hiện thêm công tác truy vết, nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới trong khi nguồn nhân lực còn hạn chế. "Mỗi lần bệnh nhân bỏ trốn, chúng tôi phải huy động sự vào cuộc của cả ngành y tế, chính quyền địa phương, công an, thậm chí bộ đội biên phòng với mục tiêu đưa người bệnh trở lại khu điều trị, cách ly càng sớm càng tốt. Có lần bệnh nhân bỏ trốn tận 6 ngày sang tận gần khu biên giới giáp Lào khiến công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn", BS Hoàng Xuân Chiến nói.

Nhớ lại trường hợp đặc biệt, khi đỡ đẻ cho một F1 tại khu cách ly tập trung tại bản Gia Phú A, xã Na Tông, huyện Điện Biên. Đây là bản vùng cao chỉ cách biên giới Việt - Lào chừng 200m, giao thông đi lại khó khăn khiến UBND tỉnh Điện Biên quyết định thành lập khu cách ly tập trung ngay tại bản. "Khi đang cách ly tại khu cách ly tập trung thì F1 này trở dạ và có dấu hiệu chuẩn bị sinh. Lúc đó cũng chỉ có mấy anh em là bác sĩ đa khoa, nhìn nhau một lúc rồi cùng "xắn tay" và đỡ đẻ. Cũng may là mẹ tròn con vuông, lúc đó đúng là ai cũng vui như Tết", BS Chiến vui vẻ kể lại.

Đánh đuổi 'con dịch' ở nơi rừng sâu - Ảnh 4.

Cán bộ y tế đỡ đẻ cho phụ nữ tại Khu cách ly bản Gia Phú A, xã Na Tông, huyện Điện Biên.

Dù còn khó khăn về nhiều mặt trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng đội ngũ y bác sĩ tại tỉnh vùng cao Điện Biên vẫn luôn quyết tâm vượt qua với niềm tin một ngày không xa cuộc sống bình thường sẽ trở lại với nhân dân nơi đây.

Không chỉ vậy, khi TP. HCM trong những ngày tháng cam go nhất, hơn 100 y bác sĩ với 4 đoàn của tỉnh đã xung phong vào Nam chi viện. Dù là tỉnh còn nghèo với điều kiện y tế còn thiếu thốn, thế nhưng lại có đội ngũ y bác sỹ có trình độ, kinh nghiệm vì đã trải qua các đợt bùng phát dịch. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, toàn bộ đội ngủ y bác sĩ đã vào chi viện với tinh thần tự nguyện, trách nhiệm và quyết tâm chiến thắng dịch.

Là một trong những người trong đoàn chi viện TP. HCM, BS Chiến cho rằng, đã xác định làm nghề y thì sẽ có những vất vả, gian truân, do đó mình không ngần ngại tham gia tuyến đầu chống dịch khi đất nước, nhân dân cần. 66 ngày tại TP. HCM là quãng thời gian không thể quên đối với cuộc đời làm nghề y với những ký ức in đậm trong tâm trí người bác sĩ vùng cao.

Nhớ lại những ngày tháng đó, BS Chiến chia sẻ: "Nhiều khi nhớ lại cũng không hiểu vì sao mình lại cố gắng được như vậy, chạy đua với thời gian, quên hết những thứ khác trong cuộc sống với ý nghĩ thật nhanh để cứu được bệnh nhân trong lúc nguy cấp. Cũng may có sự động viên, chia sẻ của gia đình, hậu phương vũng chắc. Bà xã thấy chồng đi biền biệt không về còn trêu rằng, đi lâu quá quên cả mặt vợ".

Đánh đuổi 'con dịch' ở nơi rừng sâu - Ảnh 5.

Đón, động viên đoàn cán bộ y tế đầu tiên chi viện cho TP Hồ Chí Minh hoàn thành nhiệm vụ bình an trở về.

Ngay trên địa bàn tỉnh, có những thời điểm dịch diễn biến phức tạp, khối lượng công việc của các y bác sĩ lại nhiều lên gấp bội. Mọi thứ như bị cuốn vào guồng quay công việc không có thời gian để suy nghĩ. Có những bác sĩ, y tá, nhân viên nữ nhưng rất cứng rắn, kiên cường. Có người nhiều khi mệt mỏi, nhớ gia đình muốn khóc nhưng dặn lòng không được khóc...

Những ngày này khi dịp 27/2 cận kề, ngày để tôn vinh những đóng góp thầy thuốc, bác sĩ, y tá, nhân viên y tế nhưng sẽ có nhiều người như BSCKII Hoàng Xuân Chiến vẫn trong guồng quay liên tục của việc chống dịch COVID-19. Rồi khó khăn sẽ qua đi, đất nước sẽ quay trở về với những ngày tháng bình yên như vốn có, nhưng những tháng ngày chống dịch sẽ còn được lưu giữ mãi, đó là những ngày tháng khó khăn nhưng đầy tự hào.

Nhân dịp 27/2 kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, là dịp để tri ân những người đã có cống hiến cho ngành y tế nước nhà, xin gửi lời chúc sức khỏe, bình an, "chân cứng đá mềm" đến những đồng nghiệp của tôi đang thực hiện công tác chống dịch, dù ở bất kỳ cương vị nào.

Với người dân, cùng mong muốn dịch bệnh sớm bị đẩy lùi, đội ngũ y bác sĩ như chúng tôi mong mọi người phối hợp trong công tác phòng chống dịch, thực hiện tốt quy định 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt, tiến hành tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đúng hạn, đúng quy định nếu đủ điều kiện. Đây là phương án chống dịch hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại, an toàn cho bản thân cũng là an toàn cho gia đình và toàn xã hội. Mong một ngày Việt Nam sớm chiến thắng đại dịch.

Bác sĩ CKII Hoàng Xuân Chiến - Phó GĐ CDC tỉnh Điện Biên

Băng suối, vượt đèo "đuổi" dịch bệnh chốn non sâuBăng suối, vượt đèo 'đuổi' dịch bệnh chốn non sâu

SKĐS - “Đừng nản lòng, đừng ngại khó, đừng chùn bước… phía trước là những người dân đang cần thầy thuốc” đó là lời BS Nguyễn Đức Vũ tự nhắc nhở mình cùng các nhân viên mỗi khi phải đối diện với vô vàn khó khăn trong cuộc chiến với dịch bệnh.



Dương Tú
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn