Nặng nề quan niệm sinh con trai để nhờ cậy tuổi già
Điện Biên là tỉnh có mức sinh cao, đứng thứ 6/33 tỉnh có mức cao nhất cả nước. Đây là địa phương có 3 huyện mức sinh rất cao gồm: Huyện Nậm Pồ (3.51 con); huyện Mường Nhé (3.49 con) và huyện Mường Chà (3.28 con).
Tại các huyện nói trên, "rào cản" lớn nhất trong việc thực hiện Pháp lệnh Dân số - KHHGÐ chính là nhận thức chưa đầy đủ của người dân. Ðặc biệt là ở đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn người dân vẫn còn mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ; chưa thực sự quan tâm đến vấn đề sinh đẻ có kế hoạch, sử dụng các biện pháp tránh thai gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số.
Ông Hảng A Tồng, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGÐ huyện Mường Nhé cho biết: "Với mục tiêu giảm sinh trên cơ sở tăng dần số người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đảm bảo đáp ứng dịch vụ SKSS/KHHGÐ cho người dân, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch dự trù các phương tiện tránh thai phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tiếp nhận và điều phối phương tiện tránh thai nhằm đáp ứng đầy đủ đối tượng có nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, Trung tâm luôn chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các biện pháp tránh thai, tạo cơ hội cho người sử dụng được lựa chọn cho mình biện pháp tránh thai phù hợp với nhiều kênh cung cấp".
Trong khi đó, bà Tòng Thị Hiền, Phó phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Mường Chà) chia sẻ: 6 tháng đầu năm 2021, số trẻ sinh ra trên địa bàn huyện Mường Chà là 729 trẻ; trong đó, 196 trẻ là con thứ 3 trở lên. Tuy đã đạt một số kết quả nhất định, song công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy đã giảm nhưng vẫn chiếm 26,8%.
Bà Hiền cũng cho biết, để có những chuyến biến mới, cán bộ làm công tác dân số đang tập trung tuyên truyền cho đối tượng vị thành niên, thanh niên ở các bản, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Trước đây, phụ nữ là đối tượng chính trong công tác vận động các biện pháp KHHGĐ, thì nay, các buổi tuyên truyền tập trung vào nam giới nhiều hơn. Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức 440 buổi sinh hoạt câu lạc bộ với 11.000 lượt nghe, tuyên truyền qua loa phát thanh 221 lần; tư vấn trực tiếp về Dân số - KHHGĐ với 860 lượt nghe; cấp phát hàng nghìn tờ rơi; treo băng rôn nhân các sự kiện về dân số; tuyên truyền trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo.
Theo ghi nhận tại xã Na Sang của huyện Mường Chà, quan niệm của một bộ phận người dân muốn sinh con trai để nối dõi tông đường, nhờ cậy tuổi già, thờ cúng tổ tiên vẫn còn nặng nề. Nhưng với sự nỗ lực, không ngại khó khăn, vất vả của cán bộ dân số đến từng bản, từng hộ gia đình để tuyên truyền KHHGĐ nên 2 - 3 năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã giảm và được kiểm soát chặt chẽ (tính đến tháng 6/2021 là 22,3%). Đến nay trên địa bàn xã đã có nhiều cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại để thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Chị Vàng Thị Dợ, bản Na Sang 1, xã Na Sang tâm sự: "Nhờ được cán bộ xã tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Dân số - KHHGĐ nên gia đình tôi đã ý thức được việc sinh nhiều con là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, tôi và gia đình đã bàn bạc, thống nhất với nhau sẽ không sinh thêm con nữa để nuôi dạy cho chu đáo, tập trung phát triển kinh tế gia đình".
Cần xoá bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào những chính sách xã hội
Còn tại, Nậm Pồ vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn tồn tại gây trở ngại cho công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo thống kê của phòng Dân số - Trung tâm y tế huyện Nậm Pồ, trong năm 2020, toàn huyện có trên 1.700 trẻ em được sinh ra, trong đó có trên 660 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm 38,2%. Với tỷ lệ này, Nậm Pồ đang nằm trong nhóm huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất toàn tỉnh. Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao như: xã Na Cô Sa với 53%, xã Nà Bủng với 47,8%.
Dù mới chỉ 21 tuổi, nhưng Phàng Thị Máng ở bản Bủng 2, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ đã là mẹ của 3 đứa con. Lấy chồng từ năm 13 tuổi, với Máng, lấy chồng đẻ con sớm là chuyện bình thường như những người bạn cùng trang lứa ở địa phương. Sau khi lấy chồng, em gác lại việc học để ở nhà chăm lo cho gia đình, kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào chồng của Máng với công việc làm nương rẫy, cuộc sống gia đình lúc đói, lúc no.
Những đứa trẻ như con của chị Máng, dù được sinh ra trong điều kiện thiếu cái ăn, cái mặc, nhưng chúng vẫn tự lớn lên như cây cỏ, và mỗi năm vẫn nhận được nhiều nguồn hỗ trợ từ Nhà nước như miễn giảm học phí, trợ cấp gạo...
Đây dần trở thành một bất cập khi một bộ phận người dân hình thành tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào những chính sách xã hội của Nhà nước. Và cũng chính tại xã có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 77% này vòng luẩn quẩn của đói nghèo đeo bám năm này qua năm khác một phần chính là hệ lụy của nạn tảo hôn và sinh nhiều con…
Nhằm chuyển đổi hành vi bền vững về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên cơ sở cung cấp thông tin bằng nhiều nội dung và hình thức phù hợp với người dân, đặc biệt là ở khu vực vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn, trong thời gian qua Chi cục DS - KHHGÐ tỉnh Điện Biên đã có nhiều hỗ trợ các huyện Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé về công tác truyền thông để nâng cao chất lượng dân số.
Hội đồng nhân dân, UBND các cấp cũng đưa ra quy hoạch, Kế hoạch phát triển dân số được lập hàng năm, 5 năm và 10 năm thông qua các Kế hoạch chiến lược, Chương trình, Đề án, Mô hình năm theo quy định vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Các ban ngành đoàn thể các cấp, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác dân số đưa chỉ tiêu kế hoạch thực hiện công tác dân số vào kế hoạch hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ quan, tổ chức mình; định kỳ kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện.
Bên cạnh đó, xã hội hoá công tác Dân số bằng việc huy động các ban ngành đoàn thể các cấp, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác dân số; các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia công tác dân số được hưởng quyền, lợi ích từ công tác dân số.
Sau nhiều nỗ lực, điểm sáng của công tác Dân số - KHHGĐ ở Điện Biên là tỷ số giới tính khi sinh được khống chế ở mức từ 105,8 -108,4 (bé trai/100 bé gái). Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tình trạng bệnh và khuyết tật bẩm sinh cũng giảm qua từng năm…