Chiêu trò lừa đảo du lịch ngày càng tinh vi, nhắm vào mọi đối tượng từ người lớn đến trẻ em. Nhiều chiêu trò, cộng với sử dụng công nghệ "đánh" vào tâm lý ham rẻ để giăng bẫy, khiến không ít du khách rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".
Một trong những thủ đoạn phổ biến và gây thiệt hại cho người có nhu cầu chính là việc mạo danh các thương hiệu du lịch uy tín để rao bán những "combo siêu rẻ".
Kẻ lừa đảo thường mua hoặc thuê các tài khoản mạng xã hội có tích xanh, sau đó đổi tên thành các hãng lữ hành, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao nổi tiếng để tăng độ tin cậy. Chúng sẽ quảng cáo rầm rộ, đăng tải các chương trình du lịch, combo nghỉ dưỡng, phòng khách sạn với mức giá "hời" khó tin, thường thấp hơn 30-50% so với giá thị trường hoặc gần bằng giá cơ sở thật nhưng kèm theo ưu đãi hấp dẫn.
Sau khi khách hàng "cắn câu" , chúng sẽ thúc ép chuyển tiền đặt cọc trước, thường là 50% giá trị combo, rồi cung cấp mã đặt phòng giả và yêu cầu thanh toán toàn bộ số tiền còn lại. Đến khi khách hàng hào hứng đến nơi mới "ngã ngửa" vì không có bất kỳ hoạt động đặt hàng nào được thực hiện. Thực tế cho thấy nhiều nạn nhân đã mất tiền oan vì chiêu trò này.
Đơn cử, tháng 5/2025, chị K. (Hoàng Mai, Hà Nội) đã mất 7 triệu đồng khi đặt tour du lịch ở Trà Cổ, Quảng Ninh cho gia đình qua một tài khoản Facebook mời chào tour với mức giá rẻ hơn 30-50% so với giá thị trường. Đến lịch hẹn, chị K. liên hệ khách sạn được thông báo không có đặt phòng, phát hiện bị lừa và đã đến cơ quan công an trình báo sự việc
Bên cạnh các tour du lịch một hình thức lừa đảo khác cũng đang nở rộ, đó là việc giả mạo các chương trình trại hè quân đội hay trải nghiệm mùa hè dành cho trẻ em. Chúng tạo ra các tài khoản, fanpage giả mạo trên Facebook, Zalo, TikTok với những cái tên hấp dẫn như "Trại hè quân đội", "Học kỳ quân đội mùa hè", hay "Trải nghiệm quân đội 2025". Để tăng độ tin cậy, các đối tượng còn mạo danh các đơn vị liên kết với lực lượng vũ trang, đăng kèm hình ảnh giả mạo quân nhân, giấy chứng nhận, hợp đồng liên kết.

Hình ảnh page giả, mạo danh Dream Dragon Resort. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Các quảng cáo thường rất hấp dẫn: miễn phí 100% chi phí ăn ở, di chuyển nếu đăng ký sớm; cấp giấy chứng nhận của đơn vị quân đội; rèn luyện kỹ năng sống, kỷ luật... Khi phụ huynh bày tỏ sự quan tâm, chúng sẽ tiếp cận, lập hồ sơ giả, hợp đồng giả và yêu cầu chuyển tiền "giữ chỗ" hoặc "hỗ trợ tài chính" để chiếm đoạt. Đây là một chiêu thức đặc biệt nham hiểm vì nó không chỉ đánh vào tài chính mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của các bậc cha mẹ.
Vào năm 2024, chị M (trú tại Hà Nội) đã mất số tiền lớn khi dính vào "bẫy lừa" của hình thức này. Theo đó, khi tìm khóa học hè cho con trên Facebook, chị M thấy nhiều fanpage với các nội dung quảng cáo tham gia "Học kỳ trong quân đội 2024".
Các tài khoản này giới thiệu có kết nối các đơn vị quân đội trên toàn quốc. Học viên tham gia được trải nghiệm môi trường đào tạo của lực lượng vũ trang; được hỗ trợ ăn uống, đồng phục và chứng nhận của các đơn vị quân đội.
Ở mục thông tin giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị quân đội; đăng tải các hình ảnh, bài viết từ các trang chính thống của lực lượng quân đội. Đặc biệt các đối tượng còn sử dụng hình ảnh hoạt động của lực lượng quân đội để đăng tải trong các bài viết quảng cáo.
Thấy chị M. có nhu cầu, đối tượng dẫn dụ chị cho số điện thoại và chuyển sang nhắn tin Zalo, Telegram. Chúng yêu cầu chị M. thực hiện các "khảo sát" để đạt điểm tín nhiệm cao.
Tham gia "khảo sát 1" với số tiền hơn 3 triệu đồng, "khảo sát 2" với số tiền hơn 10 triệu đồng, chị M đều được hoàn lại tiền và được trả phí khảo sát nhỏ. Khi tham gia "khảo sát 3" với số tiền 35 triệu đồng, chị M đã không còn nhận được tiền nữa, các liên lạc với "bên kia" đều bị chặn.
Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng nhu cầu đặt phòng khách sạn và làm visa du lịch để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng lập các fanpage có tên gần giống các khách sạn, resort lớn, đăng tải hình ảnh và thông tin chính thống của cơ sở thật để gây nhầm lẫn. Khác với việc chỉ yêu cầu đặt cọc, một số đối tượng còn yêu cầu khách hàng chuyển toàn bộ số tiền phòng mới có thể giữ chỗ, sau đó cung cấp mã đặt phòng giả. Khi khách đến nơi thì không có phòng hoặc không tìm thấy thông tin đặt chỗ.
Tương tự, trong lĩnh vực visa, các đối tượng mạo danh các công ty dịch vụ visa, cam kết làm visa nhanh chóng với tỷ lệ đậu cao. Tuy nhiên, thực chất là chúng chiếm đoạt phí dịch vụ rồi biến mất không dấu vết.
Trước thực trạng đáng báo động này, Bộ Công an và các cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng. Điều quan trọng nhất là phải kiểm tra kỹ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như website chính thống của doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, thay vì chỉ tin vào quảng cáo trên mạng xã hội. Người dân cần đặc biệt cảnh giác với các tài khoản giả mạo (thường mới được lập hoặc đổi tên và đăng bài quảng cáo trong thời gian ngắn).
Sau khi đặt cọc, hãy xác nhận mã đặt phòng bằng cách liên hệ trực tiếp qua số điện thoại chính thống của các hãng hàng không hoặc cơ sở lưu trú trước khi thanh toán toàn bộ số tiền. Cần cẩn trọng với các quảng cáo giảm giá bất thường, quá rẻ so với giá chung của thị trường. Và cuối cùng, nếu không may trở thành nạn nhân hoặc phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy trình báo ngay lập tức đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ và xử lý.